Bảo đảm nguyêntắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, qua giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Gia Lai về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tại một số địa phương (cấp huyện) trên địa bàn vẫn gặp một số tồn tại. Đó là: Nghị quyết về quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của đa số các địa phương chưa bảo đảm đầy đủ nội dung theo các quy định như: Còn thiếu nội dung cho ý kiến đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, bổ sung các mục tiêu, dự án sử dụng vốn đầu tư công được giao cho địa phương quản lý. Phần căn cứ của một số nghị quyết quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương thiếu nghị quyết cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của cấp huyện (lần 1, lần 2); thiếu nghị quyết quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của cấp tỉnh và một số văn bản liên quan trực tiếp...
Do vậy, để việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 bảo đảm các quy định, cần căn cứ vào các nội dung sau: tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương; kế hoạch tài chính 5 năm; kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm; mục tiêu ưu tiên đầu tư trong kế hoạch 5 năm của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương; quy hoạch liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; nhu cầu và dự báo khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước; dự báo tác động của tình hình thế giới và trong nước đến sự phát triển và khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư; cơ chế và chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Đồng thời, phải bảo đảm các quy định về nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn(Điều 48 Luật Đầu tư công), có báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (Điều 49 Luật Đầu tư công) và các nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn cho chương trình, dự án (Điều 51 Luật Đầu tư công). Từ đó, lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn theo trình tự quy định tại Điều 55, Luật Đầu tư công, trước khi trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương.
Để bảo đảm tiến độ, các địa phương khẩn trương lập danh mục dự án đầu tư dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của cấp mình theo các hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh. Ngoài khắc phục những tồn tại nêu trên, cần lưu ý: UBND trình HĐND cùng cấp cho ý kiến 2 lần theo trình tự quy định tại Điều 55 Luật Đầu tư công; 1 lần cho ý kiến (trước ngày 5.12 năm thứ năm của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước theo quy định tại Điều 62 Luật Đầu tư công) trước khi HĐND quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn của cấp mình.
Lưu ý thời gian tổ chức thực hiện
Về kế hoạch đầu tư công hằng năm, sau khi HĐND quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương, các địa phương tổ chức thực hiện trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm và trình, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách địa phương.
Thực tiễn qua giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Gia Lai cho thấy, quá trình tổ chức triển khai xây dựng và thực hiện Kế hoạch đầu tư công hằng năm giai đoạn 2021 - 2025 tại một số địa phương cấp huyện trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số thiếu sót. Cụ thể, nhiều địa phương không trình HĐND cùng cấp dự kiến kế hoạch đầu tư công hằng năm, nhất là dự kiến kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn (theo quy định tại Khoản 5 Điều 56 Luật Đầu tư công); thời gian trình HĐND dự kiến kế hoạch đầu tư công hằng năm chưa bảo đảm theo quy định. Hoặc trích yếu và Điều 1 Nghị quyết quyết định kế hoạch đầu tư công hằng năm dùng cụm từ “thông qua”,“bổ sung” là chưa phù hợp theo các quy định tại: Khoản 3 Điều 63 Luật Đầu tư công….
Do vậy khi thực hiện kế hoạch đầu tư công hằng năm, ngoài khắc phục những tồn tại nêu trên, các dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công hằng năm phải đáp ứng điều kiện tại Điều 53 Luật Đầu tư công, cần lưu ý về thời gian tổ chức thực hiện. Cụ thể, trước ngày 25.7 hằng năm, UBND báo cáo HĐND cùng cấp thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau (Khoản 5 Điều 56 Luật Đầu tư công). Thời gian trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách địa phương. Đối với cấp tỉnh: trước ngày 5.12 hằng năm, UBND trình HĐND cùng cấp kế hoạch đầu tư công năm sau; trước ngày 10.12 hằng năm, HĐND cấp tỉnh quyết định kế hoạch đầu tư công năm sau của cấp mình. Đối với cấp huyện, xã, trước ngày 20.12 hằng năm, HĐND cấp huyện, xã quyết định kế hoạch đầu tư công năm sau của cấp mình; trước ngày 31.12 hằng năm, UBND các cấp giao kế hoạch đầu tư công năm sau cho các đơn vị thực hiện (Điều 63 Luật Đầu tư công).