Hoạt động của HĐND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2016 - 2021

Bài cuối: Chú trọng hội nghị tư vấn, lấy ý kiến Nhân dân

- Chủ Nhật, 28/03/2021, 04:55 - Chia sẻ
Thực tiễn cho thấy, chính việc chủ động cải tiến, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với từng điều kiện cụ thể là một yếu tố quan trọng để hoạt động của HĐND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ này không những thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định mà còn có sự đổi mới, sáng tạo và hoạt động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhất là việc chú trọng tổ chức các hội nghị tư vấn, phát huy vai trò tư vấn của các chuyên gia; tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và đối tượng chịu tác động của nghị quyết ban hành bảo đảm sát thực tế, có tính khả thi cao và phát huy được các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Trên 90% kiến nghị sau giám sát được giải quyết

Hoạt động giám sát của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND giữa hai kỳ họp được thực hiện đa dạng các hình thức, phương thức, tăng cường giám sát chuyên đề, kết hợp giữa giám sát qua nghe báo cáo của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát với giám sát qua xem xét các văn bản liên quan và khảo sát, giám sát thực tế tại địa bàn cơ sở. Thực tế cho thấy, việc kết hợp khảo sát, giám sát có tác dụng hỗ trợ tích cực nâng cao chất lượng giám sát, là cơ sở để nhận định, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ của đối tượng chịu sự giám sát.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND tỉnh Sơn La đã tiến hành 100 cuộc giám sát đều là vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến người dân, như: Việc thực hiện chế độ chính sách; các dự án đầu tư, xây dựng; công tác di dân tái định cư; quản lý đất đai; cải cách thủ tục hành chính… Sau khảo sát, giám sát, đối với những vấn đề quan trọng hoặc nổi cộm đã báo cáo xin ý kiến cấp ủy ban hành kết luận để lãnh đạo tập trung giải quyết. Kết quả giám sát của HĐND đã tác động tích cực đến việc giải quyết những vướng mắc ở địa phương. Sau khảo sát, giám sát Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đã đề xuất, kiến nghị 599 nội dung, số kiến nghị được giải quyết đạt 90,48%.

Thường trực HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành quy trình về việc chất vấn; nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp. Chủ động rà soát, yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện các nội dung đã chất vấn tại kỳ họp trước; cung cấp thông tin cho các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND nghiên cứu thực hiện quyền chất vấn. Tại các kỳ họp, đã dành thời gian thỏa đáng cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Thường trực HĐND tỉnh cũng đã quy định cụ thể hơn về việc tổ chức phiên chất vấn giữa hai kỳ họp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức được 4 phiên chất vấn, giải trình giữa hai kỳ họp; đặc biệt đã tổ chức được 2 phiên chất vấn riêng đối với nội dung liên quan đến giải quyết đơn thư của công dân. 

Một phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh Sơn La

Ảnh: Minh Thu 

Chủ động cải tiến, đổi mới hoạt động

Có thể thấy, nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh Sơn La đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định; có sự đổi mới, sáng tạo và hoạt động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh nghiệm cho thấy, việc bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND tỉnh và các cấp ủy Đảng trong tổ chức và hoạt động của HĐND là tiền đề bảo đảm cho HĐND phát huy được các hoạt động của mình.

Cùng với đó, phát huy dân chủ trong hoạt động của HĐND là yêu cầu quan trọng tạo thêm sức mạnh và sự năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Dân chủ trong thảo luận quyết định chính sách, trong tranh luận, chất vấn tại nghị trường, trong các cuộc thẩm tra, giám sát chuyên đề… đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề với nhiều lý lẽ thuyết phục, phân tích sâu sắc nhiều góc cạnh để bảo đảm tính chính xác, tạo đồng thuận cao hơn. Cùng với Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND, nhất là đại biểu chuyên trách phải thực sự chủ động, tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để kịp thời tham mưu cụ thể hóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Cùng với đó, cần rõ cơ chế thuê chuyên gia tư vấn tham gia vào các văn bản trình kỳ họp để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Quá trình hoạt động, cần chủ động cải tiến, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với từng điều kiện cụ thể. Nhất là việc: Đổi mới nội dung, phương pháp trình ban hành nghị quyết, chú trọng tổ chức các hội nghị tư vấn, phát huy vai trò tư vấn của các chuyên gia, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và đối tượng chịu sự tác động để nghị quyết ban hành bảo đảm sát thực tế, có tính khả thi cao và phát huy được các nguồn lực cho đầu tư phát triển; lựa chọn nội dung khảo sát, giám sát bao quát các lĩnh vực và phải là những vấn đề trọng tâm, vấn đề lớn đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, những vấn đề được cử tri quan tâm; kiến nghị qua giám sát phải cụ thể, rõ người, rõ việc nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giám sát.

Hoạt động TXCT được tổ chức dưới nhiều hình thức như TXCT theo đơn vị hành chính tại nơi ứng cử, nơi công tác, nơi cư trú, theo chuyên đề kết hợp với tham vấn một số nội dung trình kỳ họp tại các cơ quan, đơn vị và địa phương, góp phần thu thập thông tin đa chiều phục vụ hoạt động thẩm tra, xem xét và quyết định các nội dung trình tại kỳ họp. Chú trọng lựa chọn địa bàn, đối tượng tiếp xúc để đại biểu HĐND có điều kiện tiếp thu đúng, trúng các vấn đề nổi cộm, bức xúc cần giải quyết, tháo gỡ ở địa phương; phối hợp TXCT hai cấp. Cùng với đó, việc theo dõi, đôn đốc và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri; chú trọng thông tin đến cử tri kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng được quan tâm thường xuyên. Nhiều nội dung kiến nghị của cử tri đã được giải quyết có kết quả, tỷ lệ giải quyết trung bình đạt 92,6%.

 

MAI PHƯƠNG