Xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Bài cuối: Cần làm từng bước, có chọn lọc theo lộ trình

- Thứ Sáu, 13/11/2020, 10:27 - Chia sẻ
Có thể nhận thấy, việc triển khai phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) tại các địa phương thời gian qua có sự khác biệt do tình hình thực tế, đặc thù của mỗi địa phương. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế chính sách về ĐTTM dẫn đến các địa phương khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lực, đặc biệt vốn ngân sách khi ĐTTM chưa được cụ thể hóa trong văn bản quy phạm pháp luật hay như xây dựng đề án xong thì gặp khó khăn trong triển khai…

Thách thức và khó khăn

Hệ thống đô thị Việt Nam trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây có những bước phát triển nhanh nhưng xuất phát điểm thấp, thực trạng hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, hầu như chưa đáp ứng đủ các yêu cầu về chỉ tiêu phát triển cơ sở hạ tầng theo quy định về phân loại đô thị. Việc đầu tư các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị chưa đồng bộ, thiếu khả năng kết nối liên thông, chưa đáp ứng yêu cầu đi trước một bước trong bối cảnh tốc độ mở rộng, phát triển đô thị ngày càng cao. Hệ thống các công trình hạ tầng ĐTTM chưa được chú trọng đầu tư; các công trình công cộng, nhà ở chưa được tích hợp hệ thống quản lý thông minh, tiết kiệm năng lượng…

Đường phố Hà Nội ùn tắc kéo dài dưới trời mưa. Ảnh: ITN

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch ở các đô thị nhưng không tính toán cân đối mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất trên toàn đô thị đã phá vỡ hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị theo quy hoạch. Nhìn chung các vấn đề đa chiều như giao thông, ngập lụt, nhà ở, tài chính đô thị, nhà ở xã hội và ô nhiễm môi trường… đều cần các công cụ tốt hơn để ra quyết định ‘thông minh hơn’ nhằm giảm thiểu tác động lên môi trường và tối ưu chi phí xã hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, phát triển ĐTTM sẽ đi kèm những rủi ro về sự thay đổi công nghệ; về tài chính để đầu tư đồng bộ, duy trì hệ thống và duy trì hệ thống phục hồi; về sự phụ thuộc vào năng lượng để vận hành hệ thống trang thiết bị; về an toàn bảo mật thông tin, bị xâm nhập và can thiệp mất quyền kiểm soát; gia tăng rủi ro tác động bất lợi có tính dây chuyền khi có biến động toàn cầu do sự gia tăng kết nối sâu rộng. Bên cạnh đó, còn có rủi ro về sự biến đổi của các mối quan hệ xã hội và các giá trị truyền thống do tác động trái chiều của môi trường sống thay đổi quá phụ thuộc vào công nghệ; nguy cơ dôi dư lao động do gia tăng tự động hóa; rủi ro do mô hình đầu tư mới, chưa có tiền lệ. “Do đó, cần những thay đổi lớn về tư duy quản lý phát triển đô thị để đảm bảo rằng quá trình này sẽ đóng góp toàn diện vào mục tiêu trở thành nước thu nhập cao trong thập kỷ tới đây”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Phát triển ĐTTM theo hướng bền vững

Tại Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phát triển ĐTTM phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc theo lộ trình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN năm 2020. Ảnh: ITN

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển ĐTTM thực sự là một “cuộc chơi lớn” trong đó cần có những “người cùng chơi” có “tầm nhìn” và “tiềm lực”, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững. Việt Nam xác định phát triển ĐTTM, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.

Theo Thủ tướng, ĐTTM phải là đô thị của chính người dân, doanh nghiệp tạo nên, là đô thị có quan hệ xã hội tốt đẹp, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, đồng thời phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên.

Để đạt được điều này, các địa phương, cùng với phát triển các tiện ích thông minh, cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh, thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý ĐTTM. Đồng thời, phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam.

Cuối cùng, cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển ĐTTM bền vững.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Việt Nam đang ở cấp độ đầu tiên trong 5 cấp độ phát triển của ĐTTM. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay Việt Nam cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm về quy hoạch ĐTTM, quản lý ĐTTM, cung cấp các tiện ích thông minh và xây dựng cơ sở nền tảng và tăng cường tiềm lực thực hiện; cần xác định rõ bản chất của ĐTTM chính là sự liên kết, chia sẻ và tích hợp thông tin, phát triển theo chiều sâu, đổi mới cơ chế và thể chế; chú trọng giải quyết vấn đề tăng trưởng đô thị bền vững hướng đến mục tiêu lấy con người làm trọng tâm, giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, củng cố bản sắc, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đồng thời với bảo vệ được nguồn tài nguyên và các hệ sinh thái tự nhiên.

Xuân Tùng