Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Bắc Giang

Bài cuối: Bố trí chuyên viên giúp việc chuyên sâu là ủy viên các Ban

- Chủ Nhật, 29/11/2020, 07:10 - Chia sẻ
Nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, trong đó có việc thực hiện chức năng giám sát, một yêu cầu đặt ra là phải xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách của các Ban có đủ năng lực. Để tăng số lượng đại biểu chuyên trách, nên cơ cấu ít nhất 1 chuyên viên giúp việc các Ban HĐND tỉnh theo lĩnh vực chuyên sâu là đại biểu và là ủy viên các Ban của HĐND. Biên chế của số lượng ủy viên này lấy từ biên chế của Văn phòng để vừa tăng đại biểu chuyên trách nhưng sẽ góp phần giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời, tạo động lực và tâm lý yên tâm, phấn khởi cho đội ngũ công chức công tác tại cơ quan HĐND.

Phát huy vai trò tổ giúp việc

Trong điều kiện phạm vi hoạt động giám sát của HĐND rất rộng, đối tượng đa dạng, việc lựa chọn nội dung giám sát hợp lý có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, phải xây dựng chương trình, nội dung giám sát đúng trọng tâm, chọn trúng những vấn đề nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. Khi giám sát, cần so sánh, đối chiếu kết quả thực hiện với các quy định hiện hành, nghị quyết của HĐND để rút ra được những kết luận đúng, đề xuất, kiến nghị hợp lý. Quá trình giám sát, kết hợp nghe báo cáo với kiểm tra thực tế tại cơ sở và nghiên cứu hồ sơ, tài liệu có liên quan để “thẩm định” và phát hiện “độ vênh” giữa báo cáo của đơn vị chịu sự giám sát và thực tế.

Thông thường khi tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề, các đoàn giám sát thường tổ chức 1 buổi làm việc với đơn vị được giám sát để nghe đơn vị báo cáo theo đề cương yêu cầu hoặc khảo sát ở 1 - 2 cơ sở. Tuy nhiên, phương pháp giám sát này có hạn chế: Thành viên đoàn giám sát chưa có nhiều thời gian nghiên cứu và không có thời gian xác minh các nhận định, số liệu trong báo cáo… khiến các thành viên trong đoàn giám sát chưa đủ thông tin để phản hồi lại báo cáo của các đơn vị được giám sát. Khắc phục hạn chế này, có thể cử 1 Tổ giúp việc xuống các đơn vị được giám sát nghiên cứu các tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, tổng hợp kết quả nghiên cứu hồ sơ, tài liệu báo cáo tại buổi làm việc chính thức. Cách làm này đã giúp các thành viên đoàn giám sát có thêm thông tin, nắm bắt rõ hơn được những ưu điểm, khuyết điểm thực tế của các cơ quan chịu sự giám sát. Qua đó, có cơ sở trao đổi, thảo luận để làm rõ báo cáo, làm rõ các vấn đề mình muốn giám sát.

Một vấn đề quan trọng nữa là cần kế thừa kết quả làm việc của một số ngành liên quan: Báo cáo của kiểm toán nhà nước, kết luận của thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực được giám sát. Đồng thời, cũng nên sử dụng một số công cụ, như: Các thiết bị hỗ trợ như máy ảnh, máy ghi âm... góp phần “minh chứng, vật chứng” cho các nhận định, đánh giá trong hoạt động giám sát. Đơn cử, khi giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết 7 về cứng hóa đường giao thông nông thôn, ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Đài PT - TH tỉnh xây dựng clip các buổi khảo sát trực tiếp tại hiện trường. Do đó, khi làm việc với UBND tỉnh và các ngành liên quan, các kết quả và tồn tại về nội dung giám sát đều được minh chứng bởi các hình ảnh cụ thể, tăng tính thuyết phục đối với kết quả giám sát.

HĐND tỉnh Bắc Giang giám sát việc chấp hành pháp luật về cải cách hành chính tại UBND tỉnh - ảnh Mai Toan
HĐND tỉnh Bắc Giang giám sát việc chấp hành pháp luật về cải cách hành chính tại UBND tỉnh
Ảnh: Mai Toan

Việc theo đuổi đến cùng các kiến nghị giám sát có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo đảm quyền uy của HĐND và chất lượng cuộc giám sát. Thường trực, các Ban, Tổ, đại biểu và các cơ quan, chuyên viên giúp việc HĐND phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghiêm túc kết luận của đoàn giám sát. Nếu các cơ quan chức năng không thực hiện phải đề xuất để tiếp tục giám sát hoặc đưa ra giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND, hoặc chất vấn ở kỳ họp HĐND tiếp theo.

Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách các Ban đủ năng lực

Thực tế hiện nay, lực lượng cán bộ chuyên trách của HĐND còn ít, thành viên các Ban của HĐND phần lớn hoạt động kiêm nhiệm. Họ là những cán bộ quản lý của một ngành, một đơn vị, có chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động trong một lĩnh vực nhất định. Trong khi đó, nội dung giám sát rộng, có cuộc giám sát đòi hỏi trình độ và năng lực chuyên môn sâu. Khắc phục tình trạng này, phải xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách của các Ban có đủ năng lực tổ chức, hiểu biết về lĩnh vực được phân công; chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng giám sát cho các thành viên của Ban.

Để tăng số lượng đại biểu chuyên trách, thiết nghĩ nên cơ cấu ít nhất 1 chuyên viên giúp việc các Ban HĐND tỉnh theo lĩnh vực chuyên sâu là đại biểu và là ủy viên các Ban của HĐND. Biên chế của số lượng ủy viên này lấy từ biên chế của văn phòng sẽ bảo đảm đúng Nghị quyết số 18-NQ/TW là không tăng biên chế. Thực hiện theo hướng này, vừa tăng đại biểu chuyên trách nhưng sẽ góp phần giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hơn thế nữa, khi được cơ cấu là ủy viên các Ban của HĐND sẽ tạo động lực và tâm lý yên tâm, phấn khởi cho đội ngũ công chức công tác tại cơ quan HĐND.

Cùng với đó, cần nâng cao năng lực của bộ máy tham mưu, giúp việc HĐND. Lựa chọn những chuyên viên giúp việc cho Thường trực, các Ban HĐND tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu, phân tích và tổng hợp, làm việc độc lập, có chính kiến và biết bảo vệ chính kiến. Có khả năng giao tiếp và giữ mối liên hệ với đại biểu HĐND, với các cơ quan chức năng. Đặc biệt, cần có đủ độ nhạy bén về chính trị, kịp thời phát hiện, đề xuất lựa chọn những vấn đề phù hợp tham mưu cho HĐND giám sát.

PHƯƠNG MINH