Nhân dân các nước thuộc địa được "thức tỉnh"
Theo nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, suốt từ thế kỷ XVI - XX, chủ nghĩa thực dân phương Tây đã tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa từ châu Á đến châu Phi và Nam Mỹ. Cho đến trước Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, hầu hết các cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ Latin đều thất bại. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời, lớn mạnh của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, chỉ hai nước là Mông Cổ và Thổ Nhĩ Kỳ giành được thắng lợi vào những năm đầu thập niên 1920.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á phát triển mạnh, một số quốc gia khu vực này đã giành được độc lập như Indonesia, Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Ở các nước khác cuộc đấu tranh giành độc lập thành công ở mức độ khác nhau.
Đây cũng là thời điểm chủ nghĩa thực dân phương Tây quay lại tiếp tục xâm lược và thống trị các nước Á, Phi. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các khu vực này lại tiếp tục nhưng còn nhiều khó khăn. Trong lúc nhân dân các nước Á, Phi đang bế tắc trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam như là “tiếng sấm" thức tỉnh họ cả về ý chí lẫn phương pháp đấu tranh. Khắp nơi ở châu Phi từ Algéria đến Marốc, từ Congo đến Nigeria, cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc đã được tấm gương Điện Biên Phủ cổ vũ.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật cho biết, trong vòng 10 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân thế giới đã thu được thắng lợi to lớn. Từ năm 1954 - 1965, đã có 17/22 nước thuộc địa Pháp giành được độc lập. Không chỉ đối với thực dân Pháp, thực dân Anh cũng phải trao trả độc lập cho một nửa trong số các quốc gia là thuộc địa Anh ở châu Á và châu Phi. Cụ thể, một số nước giành được độc lập như Malaysia (31.8.1957), Singapore (3.6.1959). Năm 1959, Anh phải công bố hiến pháp riêng cho Brunei. Đến thập kỷ 60 của thế kỷ XX, đã có 60 quốc gia giành được độc lập. Trước đó, 11 chính phủ của các nước do Mỹ dựng lên ở châu Mỹ đã bị lật đổ như: El Salvador (1956), Uruguay, Brazil, Venezuela (1958), Cuba (1959)...
Có thể khẳng định, trước Điện Biên Phủ, chưa có một nước nhỏ nào đánh thắng được chiến tranh xâm lược của một đế quốc lớn. Trận Điện Biên Phủ đã được ví như “trận Waterloo” và “chiến thắng Điện Biên Phủ là cái mốc trong lịch sử loài người”.
"Tấm gương Điện Biên Phủ"
Từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, xuất hiện hàng loạt sự kiện chính trị thể hiện sự lớn mạnh của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Điển hình có Hội nghị đoàn kết Á - Phi nhóm họp tại Bandung (Indonesia) tháng 4.1955, theo sáng kiến của các nước Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka và Myanmar. Hội nghị đánh dấu việc các nước Á - Phi bắt đầu bước lên vũ đài quốc tế và tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Lần đầu tiên trong lịch sử, các dân tộc Á - Phi đã đoàn kết với nhau trong một mặt trận thống nhất của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân.
Năm 1960, Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết phi thực dân hóa; năm 1963, có 31 nước châu Phi thành lập Tổ chức thống nhất toàn châu Phi, rồi sau đó là sự ra đời của Phong trào Không liên kết... Các tổ chức mang mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc, nắm ngọn cờ tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh và đã kết thúc thắng lợi với sự ra đời của các nhà nước dân tộc trong những năm 1970.
PGS.TS. Nguyễn Đình Lê, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khái quát, như vậy từ chiến thắng Điện Biên Phủ (giữa những năm 1950) đến đầu những năm 1960, một cao trào cách mạng đã bùng lên mạnh mẽ ở hầu khắp các nước thuộc địa, nhất là ở châu Phi. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới phát triển như vũ bão. “Các dân tộc bị áp bức và nô dịch đã đoàn kết đứng lên tiến công vào chủ nghĩa đế quốc, làm cho hệ thống thuộc địa của nó tan ra từng mảng, dẫn tới sự tan rã hoàn toàn hệ thống thuộc địa chủ nghĩa thực dân đế quốc ở các nước Á, Phi, Mỹ Latin, tạo tiền đề cho công cuộc xây dựng và phát triển, nâng cao vai trò và vị trí của các nước này trên trường quốc tế”.
Sau khi giành được độc lập dân tộc, các nước thuộc địa và phụ thuộc trước đây hầu hết đã tập trung vào công cuộc củng cố độc lập dân tộc, phát triển đất nước với những con đường khác nhau. Tuy nhiên, Việt Nam với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ vẫn là tấm gương cho các nước thuộc địa và phụ thuộc trước đây noi theo trên con đường củng cố và phát triển quốc gia, dân tộc sau khi giành độc lập.
Nhà nghiên cứu Nhật Bản Shingo Shibata cho rằng, trên khía cạnh tư tưởng, thắng lợi của Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ là một sự kiện lớn “đã tác động sâu sắc tới không những tinh thần của nhân dân tất cả các nước bị áp bức, mà còn của toàn nhân loại". Ý nghĩa đó từng được thể hiện rõ trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, rằng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.