- Bài 1: Gắn tiếp xúc cử tri với đối thoại của người đứng đầu
- Bài 2: Trao đổi chuyên đề các chính sách liên quan thiết thực đến cử tri
- Bài 3: Chuyển biến thực chất, hiệu quả hơn qua đối thoại
- Bài 4: Kết hợp chất vấn của đại biểu và câu hỏi trực tiếp của cử tri
- Bài 5: Công khai, tạo dư luận tích cực thúc đẩy tiến độ giải quyết
Giám sát đột xuất, tập trung các vấn đề “nóng”, “điểm nghẽn”
Theo Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương, việc lựa chọn chuyên đề giám sát phải được thực hiện trên cơ sở những vấn đề bức xúc, "nóng" ở địa phương hoặc vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, được đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành chính sách pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của địa phương.
Trong năm 2023, ngoài các nội dung chuyên đề giám sát theo kế hoạch, đã có 9 cuộc giám sát đột xuất được thực hiện, tập trung vào các vấn đề “nóng”, “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là: tình hình thu tiền sử dụng đất của các dự án đấu giá quyền sử dụng đất; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; về thực trạng cơ sở vật chất trường, lớp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; thực trạng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và hoạt động tự chủ tài chính của các cơ sở y tế công lập...
Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: quá trình lựa chọn chuyên đề giám sát, bên cạnh chọn nội dung đúng và trúng, cần quan tâm đến việc lựa chọn thời điểm giám sát cho phù hợp; đồng thời, xác định rõ mục đích, nội dung giám sát để đánh giá thực trạng áp dụng, triển khai chính sách, quy định của pháp luật, nghị quyết của cấp ủy, nghị quyết của HĐND cấp trên và cùng cấp. Thường trực HĐND tỉnh chọn những vấn đề lớn, liên quan đến thực thi chính sách để giám sát; các vấn đề cụ thể, phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn sẽ giao các Ban HĐND giám sát.
Phát phiếu điều tra để thu thập thông tin, lấy ý kiến đánh giá
Trên cơ sở kế hoạch giám sát, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Ban HĐND tỉnh phụ trách lĩnh vực phát phiếu điều tra để thu thập thông tin, lấy ý kiến đánh giá của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân; phối hợp với Đài PTTH tỉnh xây dựng phóng sự chuyên đề phục vụ phiên chất vấn, giải trình (khi cần thiết), đồng thời tuyên truyền trên kênh truyền hình của tỉnh. Quá trình giám sát, khảo sát đều được ghi hình, quay clip, chụp ảnh. Sau khi có báo cáo dự thảo kết luận giám sát đã khẩn trương làm việc với UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn dưới hình thức tọa đàm, giải trình. Tại buổi làm việc, các đánh giá, nhận xét đều được minh họa bằng hình ảnh rõ nét, có tính thuyết phục cao. Kết quả phiên làm việc cho thấy, các vấn đề Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn là “đúng và trúng”, phù hợp thực tiễn, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.
Kết thúc mỗi hoạt động giám sát chuyên đề, đột xuất, Đoàn giám sát đều ban hành các kết luận, kiến nghị để yêu cầu các cơ quan, đơn vị đối tượng thực hiện. Trong đó, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan; thời gian khắc phục hạn chế, bất cập; trách nhiệm thi hành của cơ quan, tổ chức, cá nhân; trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết. Nhìn chung các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát đã nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của HĐND tỉnh.
Báo cáo Tỉnh ủy, thường xuyên rà soát việc thực hiện
Từ thực tế hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương nhận thấy, để các cơ quan chịu sự giám sát tiếp thu, thực hiện kịp thời các kết luận, kiến nghị sau giám sát cần quan tâm xem xét, cân nhắc nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, bảo đảm tính khả thi, đặc biệt là các cuộc giám sát chuyên đề. Các kết luận, kiến nghị của HĐND bảo đảm chuẩn xác, đúng pháp luật, nội dung kiến nghị cụ thể, đúng phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát. Trước khi ban hành kết luận giám sát, chủ động tổ chức hội nghị mời thành phần đoàn giám sát và đối tượng được giám sát để trao đổi, giải trình thêm những vấn đề trong thực tế cần tạo sự thống nhất để báo cáo kết luận giám sát có chất lượng.
Tổng hợp, theo dõi các nội dung đã kết luận, kiến nghị sau giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, báo cáo Tỉnh ủy và thường xuyên rà soát việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thi hành. Đối với một số kết luận, kiến nghị đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục, điều chỉnh ngay, Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện; những kiến nghị đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực hoặc nhiều cơ quan phối hợp thực hiện thì phải tạo điều kiện để cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát chủ động thực hiện. Một số kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh chưa được thực hiện đầy đủ, Thường trực HĐND tỉnh có thể tiến hành khảo sát, giám sát đột xuất, đưa ra những kiến nghị, tổ chức làm việc để bảo đảm việc thực hiện được hiệu quả.
Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương cũng nhấn mạnh việc thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền trong quá trình giám sát cũng như sau giám sát; tạo điều kiện cho đại biểu HĐND, cử tri và các cơ quan trong thông tin, giám sát việc thực hiện kiến nghị sau giám sát.