Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND cấp huyện tỉnh Bắc Giang

Bài 3: Bảo đảm thông tin, kiến thức chuyên môn

- Thứ Hai, 16/11/2020, 06:18 - Chia sẻ
Bên cạnh phát huy vai trò các thành viên đoàn giám sát, với những lĩnh vực chuyên sâu, cần lựa chọn mời thêm các thành phần liên quan hiểu biết sâu về nội dung giám sát để cho ý kiến. Bên cạnh đó, bảo đảm thông tin và tranh thủ các ý kiến cử tri; coi trọng nguồn thông tin từ chính đối tượng chịu tác động của cơ chế, chính sách… Với những thông tin và kiến thức chuyên môn đầy đủ, đoàn giám sát mới tiến hành xem xét báo cáo, hay chất vấn những người đứng đầu các cơ quan được giám sát.

Xây dựng đề cương chi tiết

Thực tiễn tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND huyện Tân Yên từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy: Việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, xây dựng kế hoạch giám sát và đặc biệt là hình thành đề cương chi tiết giám sát rất quan trọng. Bởi vì, đoàn giám sát có xây dựng được đề cương báo cáo giám sát chi tiết sẽ giúp cho các thành viên xác định rõ nội dung trọng tâm, cụ thể cần tập trung giám sát là gì, giám sát để làm gì để tìm hiểu, phân tích kỹ vấn đề cần quan tâm; mặt khác, định hướng cho đối tượng giám sát xác định và báo cáo những vấn đề trọng tâm, trọng điểm. Tùy theo chuyên đề và đối tượng giám sát, cần có đề cương chung hoặc đề cương riêng gửi cho đối tượng giám sát. Đoàn giám sát yêu cầu cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát phải báo cáo đầy đủ nội dung theo đề cương đoàn đã gửi và gửi về theo địa chỉ đoàn giám sát đã thống nhất.

Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực HĐND huyện Tân Yên với Thường trực HĐND các xã, thị trấn 6 tháng đầu năm 2020
Ảnh: Hoàng Hiệu

Tuy nhiên, trước khi xây dựng kế hoạch và đề cương giám sát, cần tìm hiểu thêm thông tin, tìm hiểu các quy định của pháp luật, những văn bản tài liệu liên quan đến nội dung giám sát; đồng thời, tổ chức khảo sát, nắm tình hình để xác định đối tượng giám sát, bảo đảm giám sát đúng đối tượng, có tính chất đặc trưng, đại diện. Đơn cử như giám sát “Công tác quản lý nhà nước đối với một số hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa - thông tin trên địa bàn huyện Tân Yên năm 2015 - 2016”, cần tổ chức khảo sát sơ bộ các phòng, ban chuyên môn liên quan đến lĩnh vực được giám sát như Phòng Văn hóa - Thông tin, Công an huyện và UBND một số xã, thị trấn trên địa bàn.

Linh hoạt trong quá trình giám sát

Theo Thường trực HĐND huyện Tân Yên, giai đoạn tiến hành giám sát thực chất là quá trình thu thập và phân tích thông tin làm cơ sở thực tiễn và khoa học cho các kết luận giám sát, nhưng phải bảo đảm không thay đổi mục tiêu giám sát đã đề ra. Tuy nhiên, đôi lúc cũng cần linh hoạt thay đổi một vài nội dung, chi tiết của chương trình, kế hoạch giám sát cho phù hợp. Vì thực tế khi xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát không thể nhận định được hết tất cả các tình huống sẽ xảy ra.

Cần chú trọng cải tiến phương thức, hình thức, chú trọng giám sát trực tiếp tại cơ sở, nơi có những vấn đề bức xúc, nổi cộm. Nội dung giám sát càng cụ thể, hiệu quả thu lại càng thiết thực. Nếu cuộc giám sát chỉ giới hạn trong một buổi làm việc với UBND huyện và các phòng, ban, ngành hữu quan thì khó có thể đưa ra được những kiến nghị sâu và thuyết phục cao; hoặc nếu chỉ nghe người được giám sát báo cáo mà không đối chiếu với nguyện vọng của nhân dân, không đi sâu nghiên cứu, khảo sát thực tế thì kết luận giám sát dễ mang tính phiến diện, không khách quan.

Thực tiễn cho thấy, quá trình giám sát, một số thành viên tham gia với trách nhiệm chưa cao. Khắc phục tình trạng này, bên cạnh cung cấp đầy đủ nội dung liên quan cho thành viên cần phân công nhiệm vụ cụ thể, trong đó yêu cầu từng thành viên chuẩn bị kỹ các ý kiến phát biểu, phản biện, tranh luận tại các buổi làm việc. Kết thúc các buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát có trách nhiệm viết hoặc đưa ra ý kiến nhận xét, đánh giá về vấn đề đã giám sát, gửi cho người chịu trách nhiệm tổng hợp viết báo cáo.

Bên cạnh đó, khi giám sát chuyên đề về các lĩnh vực chuyên sâu như: Môi trường, lĩnh vực kinh tế, xây dựng, Thường trực HĐND huyện phải lựa chọn để mời thêm các thành phần liên quan có hiểu biết sâu về nội dung giám sát để cho ý kiến về những vấn đề mang tính chất chuyên môn cao. Hoặc giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, ngoài yêu cầu UBND huyện báo cáo, Thường trực HĐND yêu cầu từng Tổ đại biểu HĐND huyện phối hợp với Thường trực HĐND các xã, thị trấn giám sát, khảo sát thực tế... Mặt khác, tranh thủ các ý kiến cử tri; coi trọng nguồn thông tin từ chính đối tượng chịu tác động của cơ chế, chính sách. Với những thông tin và kiến thức chuyên môn đầy đủ, HĐND và các cơ quan của HĐND mới tiến hành xem xét báo cáo hay chất vấn những người đứng đầu các cơ quan bị giám sát.

Kết luận giám sát sát đúng tình hình thực tế, phải chỉ ra được những hạn chế, thiếu sót, những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách, pháp luật và kiến nghị hướng giải quyết cụ thể tính khả thi cao, để cơ quan chức năng có những giải pháp khắc phục. Vấn đề quan tâm nhất trong hoạt động giám sát hiện nay là việc tiếp thu, giải quyết những kiến nghị sau giám sát của cơ quan chức năng. Bởi thực tế đã có không ít những ý kiến, kiến nghị rất xác đáng của đoàn giám sát nhưng không được các cơ quan tiếp thu nghiêm túc dẫn đến không triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Điều này làm giảm hiệu lực, hiệu quả của cuộc giám sát, làm mất lòng tin của cử tri vào cơ quan dân cử.

Bách Hợp