Nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục

Bài 2: Tạo dựng văn hóa riêng vì mục tiêu chung

- Thứ Ba, 16/11/2021, 05:34 - Chia sẻ
Văn hóa học đường thể hiện ở sứ mạng, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của các nhà trường, dựa trên mục tiêu được đưa ra trong Luật Giáo dục (2019), đó là phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp… Mục tiêu giáo dục là chung, nhưng mỗi nhà trường lại có văn hóa riêng.
Môi trường văn hóa tích cực thúc đẩy sáng tạo trong học sinh
Ảnh: Ng. Phương

Những giá trị cốt lõi của nhà trường

Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, trong đó có 14 năm làm quản lý một trong những cơ sở giáo dục có truyền thống lịch sử bậc nhất Hà Nội, khi được hỏi dạy học trò hiện nay có khó không, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương Trần Thị Thanh Thảo trả lời ngay, “rất khó”. Khó là bởi không chỉ dạy kiến thức mà còn phải dạy cả phẩm chất, kỹ năng để các em trở thành những con người có ích. Khó là bởi đòi hỏi và kỳ vọng của xã hội và phụ huynh ngày càng cao. Khó còn bởi chính tầm nhìn, sứ mệnh mà nhà trường đặt ra, đó là đào tạo học sinh Trưng Vương trở thành những công dân toàn cầu và mang bản sắc dân tộc.

“6 giá trị cốt lõi học sinh Trưng Vương phấn đấu đạt được gồm: Đam mê, Sáng tạo, Tự chủ, Trách nhiệm, Thích nghi và Kiên cường. Những giá trị này được nhà trường xác định dựa trên quan điểm của UNESCO, mục tiêu trong Luật Giáo dục và đúc kết qua kết quả giáo dục 100 năm của mình. Một khi đạt được 6 giá trị này, các con hoàn toàn tự tin hội nhập trong môi trường giáo dục toàn cầu mà không sợ đánh mất bản sắc”, cô Trần Thị Thanh Thảo khẳng định.

Thực tế, việc xây dựng văn hóa học đường tích cực phụ thuộc nhiều vào cách nhìn, quan điểm của lãnh đạo nhà trường. Sau 25 năm làm quản lý Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), NGND. Nguyễn Thị Hiền tự tìm được một số yếu tố có thể củng cố văn hóa học đường tích cực. Trước hết, thiết lập các chuẩn mực trường học qua việc xây dựng các giá trị. Cụ thể 5 giá trị của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm là: Yêu thương, tôn trọng bản thân, mọi người và mọi vật; đoàn kết và luôn chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của mình; luôn đúng giờ và kiên nhẫn chờ đến lượt; trung thực làm đúng ngay cả khi không có ai chứng kiến; sáng tạo không ngừng. 5 giá trị này được đào tạo nhuần nhuyễn không chỉ cho học sinh, giáo viên, mà còn cho phụ huynh, bởi xây dựng văn hóa học đường phải kết hợp 3 yếu tố: Nhà trường - gia đình - xã hội.

Là một trong 2 trường dân lập đầu tiên của Hà Nội, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng là một mô hình giáo dục đặc biệt nhằm giúp đỡ những học sinh có khó khăn trong học tập và rèn luyện. TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường cho biết, ngoài việc dạy chữ, nhà trường luôn nêu cao giá trị phát triển nhân cách cho học sinh, tập trung “dạy người” giúp các em lấy mục tiêu “vì ngày mai lập nghiệp”. Căn cứ đặc điểm tâm sinh lý, tính cách của học sinh, qua thử nghiệm ở Đinh Tiên Hoàng, nhà trường cũng đúc kết 5 nguyên tắc ứng xử. Đó là các lực lượng giáo dục phải kiên trì chấp nhận những mặt mạnh và cả những mặt yếu kém của học sinh; khách quan trong việc nhìn nhận đánh giá thiếu sót của học sinh; giúp học sinh thấy rõ những cái lợi, cái hại để học sinh tự lựa chọn cách ứng xử sao cho hợp chuẩn mực chung xã hội; giúp học sinh biết cách hòa nhập tập thể, tôn trọng lợi ích tập thể, cộng đồng; biết gieo nhu cầu mới và tổ chức cho học sinh thực hiện dần yêu cầu giáo dục đó. Từ 5 nguyên tắc ứng xử này, giáo viên Trường Đinh Tiên Hoàng có thể hình thành cho học sinh những thói quen như: Sống tự lập, biết tự học sáng tạo; sống có kỷ luật; tôn trọng và bảo vệ của công, giữ vệ sinh chung; tôn trọng bản thân và người khác; không nói tục chửi bậy…

Trường Marie Curie (Hà Nội) lại chọn yêu thương là văn hóa cơ bản nhất. Theo lý giải của Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang, học trò là lứa tuổi chưa hoàn thiện về cả thể chất cũng như tâm sinh lý, do đó mong các em hiểu và thông cảm hoặc hợp tác là điều không hề dễ dàng. Bởi vậy, “thay vì chọn đối đầu chúng tôi chọn đối thoại, chọn yêu thương”. Hơn nữa, thời gian học trò ở trường rất dài, nếu ở đó không có sự yêu thương thì nó sẽ trở thành nỗi sợ, khi đó mục tiêu đến trường là để được học và giáo dục sẽ không thể thực hiện được. Và, “tôi nhận thấy mọi chuẩn mực văn hóa kể trên nếu xuất phát từ yêu thương thì mới dẫn đến kết quả tốt đẹp”.

Lấy văn hóa học đường làm thước đo

Văn hóa học đường là nhiệm vụ hết sức cần thiết và quan trọng, góp phần đem lại phát triển bền vững, thành công vượt trội và xây dựng thương hiệu riêng cho mỗi nhà trường. Đây là nhiệm vụ vừa đáp ứng yêu cầu hiện tại, vừa mang tính chiến lược lâu dài vì nó góp phần đào tạo một thế hệ học sinh có khả năng hội nhập để trở thành công dân toàn cầu của thế kỷ XXI.

NGND. Nguyễn Thị Hiền khẳng định, môi trường và văn hóa học đường tích cực là môi trường trong đó học sinh được coi là mục đích giáo dục chứ không phải vấn đề cần giải quyết. Văn hóa học đường quan tâm và kết nối tất cả các bên liên quan trong nhà trường để họ cảm thấy được nhìn thấy, có giá trị và được lắng nghe. Học sinh cảm thấy an toàn, được phản hồi và được mắc lỗi, tạo môi trường giáo dục có nhiều động lực hơn để khám phá, học hỏi. Mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui, không chỉ với học sinh, mà thầy cô cũng phải vui, để sáng tạo.

Với thầy Nguyễn Xuân Khang, “học sinh quan trọng, nhưng giáo viên, chị lao công hay anh bảo vệ trong trường cũng quan trọng. Tôi không xem mối quan hệ nào là mối quan hệ cốt lõi trong nhà trường. Bởi lẽ, giáo viên không hạnh phúc thì không thể tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc. Anh bảo vệ là người đầu tiên đón học sinh vào trường, nếu anh ấy không vui thì học sinh của tôi cũng sẽ ít nhiều cảm thấy “tụt cảm xúc” trong suốt buổi học. Ai cũng có vai trò quan trọng làm văn hóa nhà trường trở nên tích cực hơn”.

Giáo dục Việt Nam gần đây đã quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển về đời sống tinh thần nói chung và chất lượng các mối quan hệ nói riêng trong môi trường học đường. Nhưng theo thầy Nguyễn Xuân Khang, sự quan tâm đó là chưa đủ. “Chúng ta mới chỉ đang lấy điểm số, kết quả từ những kỳ thi để làm thành tích báo cáo, để đánh giá chất lượng. Thiết nghĩ, nếu bây giờ chúng ta cũng lấy thước đo văn hóa học đường của mỗi trường làm thành tích, thống kê về mức độ hài lòng của học sinh, của giáo viên… để làm thành tích đánh giá, so sánh, thì có lẽ sẽ có nhiều thay đổi”. 

Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc học Huế Hoàng Nữ Hảo Tâm cũng cho rằng, cần phải xem hành vi văn hóa học đường là một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá chất lượng của học sinh. Các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, cán bộ trong các cơ sở đào tạo phải có ý thức giáo dục hành vi văn hóa học đường cho học sinh, nhằm xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo.

Nhật Linh - Ngọc Phương