Ngăn chặn khai thác cát trái phép, cách nào?

Bài 2: Quyết tâm vẫn chưa đủ ?

- Thứ Năm, 18/11/2021, 13:15 - Chia sẻ
Trước thực trạng “cát tặc” hoành hành, lực lượng chức năng cũng như các cấp chính quyền đã tăng cường chỉ đạo, ra quân kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm, thậm chí có những vụ việc đã đưa ra truy tố trước pháp luật. Dẫu vậy, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn không chuyển biến, ổ nhóm này vừa bóc gỡ lại mọc ra ổ nhóm mới, thách thức chính quyền và người dân...

Nhiều vụ việc được phát hiện

Theo báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm 2021 của trưởng ngành Công an tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV cho thấy, hầu hết các loại án đều giảm sâu, tuy nhiên, một số loại tội phạm gia tăng. Để bảo đảm an ninh trật tự, an lòng dân trong giai đoạn bình thường mới, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết, trong hầu hết các chỉ đạo điều hành đều chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện, trấn áp, xử lý tội phạm.

Lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ ổ nhóm cát tặc trên sông Đà ngày 23.10

Thực hiện chỉ đạo này, các đội giao thông đường thủy các địa phương đã đồng loạt ra quân tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai thác cát sỏi tại luồng tuyến sông Hồng, sông Cầu, sông Đà... - những nơi thường xảy ra nạn cát tặc. Kết quả chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt vụ việc đã được phát hiện, đưa ra truy tố trước pháp luật bởi hành vi khai thác trái phép cát trái phép với số lượng lớn. Điển hình, lực lượng chức năng đã phát hiện ổ nhóm khai thác cát với khối lượng lớn trên sông Đà vừa qua. Cụ thể, ngày 23.10, khi tổ công tác liên ngành Đội Cảnh sát đường thủy số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông), Đội 3 (Phòng Cảnh sát môi trường), Đội Cảnh sát kinh tế và Công an xã Thái Hòa (huyện Ba Vì) đã phát hiện tàu NĐ 2453 đang thực hiện hành vi hút cát trái phép vào khoang chứa của phương tiện. Tại thời điểm kiểm tra, khoang chứa hàng tàu NĐ 2453 có khoảng 150m3 cát đen. Trên tàu NĐ 2453 có 2 người, gồm: Ngô Văn Kiểm (sinh năm 1983; ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương; là chủ tàu) và lái tàu Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1989; ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). Những người này không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan có thẩm quyền cấp, không xuất trình được giấy chứng nhận khả năng chuyên môn. 

Lực lượng chức năng ra quân dẹp loạn "cát tặc"

Trước đó, ngày 20.10, các lực lượng chức năng của Bộ Công an đã phối hợp một số đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hải Phòng mật phục, vây bắt 24 tàu đang khai thác cát trái phép trên sông Văn Úc, đoạn chảy qua địa phận các huyện Tiên Lãng, An Lão và Kiến Thụy. Thời điểm bị bắt, các tàu này đang hút cát trái phép tại đoạn sông chảy qua địa phận các xã Toàn Thắng, Quang Phục thuộc huyện Tiên Lãng; xã Ngũ Phúc, Minh Tân của huyện Kiến Thụy và đoạn sông chảy qua địa bàn xã Quang Trung, huyện An Lão.

Đâu vẫn vào đấy, vì sao?

Có thể thấy, vấn đề khai thác cát trái phép đã tồn tại nhiều năm nay trên hầu hết các luồng tuyến sông, mặc dù các lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân để dẹp loạn tình trạng “cát tặc”, song nạn tận thu, hút cát trên các tuyến sông vẫn xảy ra, các tàu cuốc mang theo dụng cụ hút cát vẫn ngang nhiên hoạt động ngay cả giữa ban ngày, khi lực lượng chức năng điều tra, khám phá được ổ này, không lâu sau đó lại có ổ nhóm khác mọc lên.

Những chiếc tàu hút cát không biển số chở cát về bãi tập kết.

Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, các chuyên gia về kinh tế, môi trường cho rằng: lợi ích do khai thác, tận thu cát ở các lòng sông là quá lớn chính là nguyên nhân khiến các đối tượng đã bất chấp quy định pháp luật và sẵn sàng chịu nộp phạt một vài triệu đến một vài chục triệu. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng như dư luận cho rằng: “Không địa bàn nào không có chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội”, để xảy ra tình trạng "cát tặc" là do sự thiếu quyết liệt, quyết tâm của các cấp chính quyền cũng như sự thờ ơ, “ ngó lơ” của người đứng đầu.

Những chiếc tàu cuốc chở cát không biển số

Cụ thể, ghi nhận của phóng viên dọc tuyến sông Cà Lồ thuộc địa phận xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và đoạn cầu Đò Lo (giáp ranh huyện Sóc Sơn và huyện Yên Phong, Bắc Ninh), trong những ngày này tình trạng khai thác cát lại diễn ra sôi động, bất chấp sự lo lắng và phản ứng của người dân khi hàng mấy chục mẫu ruộng tại cánh đồng Chum thuộc xóm Mọn, thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu đã bị sạt lở bởi "cát tặc". Điều này cũng đồng nghĩa, hàng loạt hộ dân bị mất đất canh tác, sản xuất. Song khi được hỏi về vấn đề này, Bí thư Đảng uỷ kiêm chủ tịch UBND xã Xuân Thu Hoàng Văn Luận cho biết: Hiện trên địa bàn không còn bãi cát nào, xã đã thành lập 1 tổ gồm công an và chính quyền thôn Xuân Lai, thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện sẽ báo cáo lên Công an huyện Sóc Sơn để kịp thời xử lý, bởi UBND xã không có phương tiện và không đủ thẩm quyền để xử lý.

Cách đó không xa, trên dòng sông Cầu thuộc địa phận thôn sông Công, Thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), tình trạng tàu bè, tàu cuốc không biển số cũng nườm nượp chở các loại cát vàng, xanh, đen được "tận thu" từ các dòng sông mạn Bắc Ninh và Sông Công về bãi tập kết. Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Phổ Yên Dương Văn Diễn khẳng định: Sau khi có phản ánh của báo chí và người dân, Phòng thường xuyên đi kiểm tra, nên phía địa bàn không còn tình trạng khai thác trái phép...

Với những gì đang diễn ra, dư luận đặt câu hỏi: phải chăng vấn nạn tận thu, khai thác cát trái phép tại nhiều tuyến sông, gây bức xúc trong nhân dân không được giải quyết triệt để chính là do có sự bao che, cố tình "ngó lơ", vô cảm của chính quyền địa phương?

Điều 227, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên có thể bị xử phạt hình sự 7 năm tù, đồng thời có thể bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị xử phạt tiền lên đến 7 tỷ đồng và cấm hoạt động trong 3 năm.

Hải Thanh