Để trở thành người đại biểu của Nhân dân

Bài 2: Hình ảnh "đẹp hơn" trước cử tri

- Chủ Nhật, 25/04/2021, 06:41 - Chia sẻ
Lương Anh Tế, Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương
Quá trình vận động bầu cử, mỗi ứng cử viên sẽ được xuất hiện trước công chúng/cử tri thông qua TXCT hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, càng cần có một hình ảnh "đẹp hơn" để chiếm được tình cảm, lòng tin nơi cử tri. Hình ảnh của người đại biểu tương lai có ảnh hưởng rất lớn đến sự tín nhiệm của cử tri, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ phiều bầu cử tri dành cho mỗi ứng cử viên. Vì thế, ứng cử viên cần chú ý xây dựng hình ảnh của mình trước và trong khi thực hiện vận động bầu cử, đồng thời giữ được hình ảnh "đẹp" mãi trong lòng cử tri.

Hình ảnh có thể mang lại dấu ấn hoặc tích cực, tiêu cực, hoặc sự thờ ơ của cử tri đối với ứng cử viên. Hình ảnh "đẹp" sẽ mang dấu ấn tích cực, mang lại cảm nhận, ý nghĩ tốt ngay từ đầu để cử tri đặt niềm tin, hy vọng và sẽ xác định bỏ phiếu cho ứng cử viên. Ngược lại, hình ảnh mang dấu ấn tiêu cực sẽ khó nhận được sự ủng hộ của cử tri.

Trong phạm vi thời gian hạn hẹp, chỉ từ khi ứng cử viên được lập danh sách chính thức đến trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu, tức là chỉ khoảng 25 - 30 ngày. Trừ số ít ứng cử viên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt cử tri đã biết, còn đa số ứng cử viên chỉ có cơ hội xuất hiện trước cử tri thông qua một số cuộc tiếp xúc với số lượng cử tri hạn chế, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số của tri tại khu vực ứng cử; hoặc xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng qua phỏng vấn trên truyền hình hoặc báo viết (nhưng không nhiều ứng cử viên được xuất hiện); xuất hiện gián tiếp bằng tấm ảnh in trên danh sách ứng cử viên được niêm yết tại các đơn vị bầu cử, các điểm bỏ phiếu. Vậy, trong khoảng thời gian, không gian hạn chế như vậy, làm sao để ứng cử viên có thể tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp trước cử tri?

Tạo dấu ấn tích cực qua hình thức bên ngoài

Tại các cuộc TXCT trước bầu cử, phần lớn cử tri tham dự là những người đại diện cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị theo cơ cấu, thành phần được cơ quan chức năng mời và hầu hết là những cử tri "khó tính", hay xét nét, đánh giá; nhưng đây lại là những cử tri có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi ý kiến của họ về các ứng cử viên đến các cử tri khác. Vì vậy, cần chú ý về hình thức khi đến dự các cuộc TXCT cũng như khi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo đó, để tạo dấu ấn tích cực với cử tri, trước hết, cần "chuẩn bị" một gương mặt sáng sủa, tươi vui, mắt luôn nhìn thẳng, chân thành, thân thiện; giữ đầu tóc gọn gàng, phù hợp với khuôn mặt, không nên quá cầu kỳ; ứng cử viên nữ có thể trang điểm điểm nhẹ nhàng phù hợp với khuôn mặt.

Cần có một tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, gần gũi, cởi mở, không quá suồng sã, cũng không quá lạnh nhạt. Những cái bắt tay, chào hỏi cũng cần chú ý "tay bắt mặt mừng", không siết tay quá chặt, cũng không quá lỏng lẻo và chú ý dành cái nhìn thân thiện, vui mừng với người bắt tay, hỏi xã giao đôi câu. Ví dụ: "gia đình ta năm nay được mùa chứ ạ"; hoặc buông lời khen nhẹ nhàng, phù hợp, ví dụ: "xã ta có quang cảnh đẹp quá nhỉ"; quê mình có hệ thống giao thông nông thôn đẹp quá"...

Mang trang phục phù hợp, lịch sự, sạch sẽ, gọn gàng, không quá diêm dúa, hợp với hình thể của từng ứng viên và phù hợp với mức sống và phong tục, tập quán địa bàn ứng cử. Khi tiếp xúc với cử tri là cán bộ ở các cơ quan, tổ chức hay khu vực đô thị cần trang phục lịch sự, nhưng khi tiếp xúc với cử tri là người lao động hay ở khu vực nông thôn lại cần trang phục giản dị hơn.

Hình ảnh của người đại biểu tương lai ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ phiều bầu mà cử tri dành cho mỗi ứng cử viên

Dấu ấn đẹp thể hiện qua nội dung "bên trong"

Nội dung thể hiện qua tiếng nói, cách nói, truyền đạt, nêu ý kiến, trình bày nhận thức, quan điểm... của ứng cử viên, có tác động rất mạnh đến cử tri. Do đó, khi TXCT vận động bầu cử, các ứng cử viên phải trình bày chương trình hành động của mình. Cần chú ý: Một, chuẩn bị kỹ, tốt trước khi tiếp xúc. Chuẩn bị những nội dung chính, quan trọng nhất mà mình trình bày thông qua một bản đề cương (để nói tóm tắt), không nên đọc một bài đã chuẩn bị sẵn; đồng thời dự kiến những vấn đề khi cử tri có thể hỏi để có ý kiến trao đổi. Nếu không chuẩn bị tốt, nhất là những người mới hoặc ít tiếp xúc với công chúng dễ "mất điểm" trước cử tri.

Hai, chỉ nói những vấn đề mà mình biết, hiểu sâu, có kiến thức, kinh nghiệm. Trong TXCT, hãy chú ý lắng nghe và trao đổi, giải thích những điều cần thiết và nắm vững, chớ có nói, trao đổi những vấn đề mình còn mơ hồ, thiếu thông tin hoặc không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình. Người có kinh nghiệm, có thể khéo léo "lái" vần đề mình không nắm rõ sang một chủ đề khác mà vẫn thuyết phục được người nghe.

Ba, có phương pháp trình bày khoa học, thuyết phục. Các vấn đề trình bày cần rõ ràng, ngắn gọn, theo trình tự hợp lý; sử dụng ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu, phù hợp với địa phương nơi ứng cử. Nếu là vùng dân tộc thiểu số mà hiểu, nói thông thạo tiếng địa phương thì nên trình bày bằng tiếng nói của họ. Âm lượng vừa phải, rõ tiếng, diễn đạt truyền cảm, thu hút; khắc phục nói ngọng, nói nhịu... Kết hợp được "ngôn ngữ cơ thể" (ánh mắt, nhún vai, khua tay...) trong quá trình diễn đạt càng thu hút người nghe.

Ngoài những nội dung trao đổi trên đây, mỗi ứng cử viên có thể sử dụng các hình thức khác để quảng bá hình ảnh của mình trước công chúng, như: Sử dụng trang Website riêng hay thông qua mạng xã hội để trao đổi, thể hiện quan điểm, ý kiến của mình về những vấn để chính trị, xã hội cử tri quan tâm. Cũng có thể thông hoạt động tại cơ quan, tổ chức nơi ứng cử viên công tác, nơi sinh sống để xây dựng hình ảnh tốt cho mình, từ đó sẽ lan tỏa đến các cử tri khác.