Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Làm gì để nền kinh tế cất cánh?

Bài 2: "Đôi cánh” của nền kinh tế

- Thứ Năm, 06/05/2021, 08:11 - Chia sẻ
Thừa kế và phát triển mấy chục năm, nhất là từ sự chuẩn bị của chúng ta những năm qua (ba đột phá chiến lược) và vận hội phát triển kinh tế tri thức của thời đại mang lại, nhất là từ địa - kinh tế, có hai phương diện cần nắm lấy, với phương châm phát triển “rút ngắn”, khả dĩ làm "đôi cánh” để xây dựng nền móng cho cuộc “cất cánh” của nền kinh tế. Đó là lựa chọn phát triển công nghệ cao trước hết và trực tiếp làm động lực cho công nghiệp dịch vụ nông nghiệp và kinh tế biển, phát triển biển; phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp dịch vụ kinh tế biển và công nghiệp du lịch dựa trên nền tảng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.

Kiến tạo đẳng cấp của nền kinh tế nông nghiệp

Về chiếc “cánh” thứ nhất: Lựa chọn phát triển công nghệ cao trước hết và trực tiếp làm động lực cho công nghiệp dịch vụ nông nghiệp và kinh tế biển, phát triển biển.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%; nhất là kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt trên 43 tỷ USD - dù là kỷ lục xưa nay, song chưa tương xứng tiềm năng. Nhìn tổng thể, chúng ta không thể không đột phá, mở lối đi thẳng vào phát triển khoa học - công nghệ, mà trước hết là công nghệ cao. Đây là cái then mở cửa gia nhập nhanh và sâu vào nền kinh tế thế giới hiện đại, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất thể hóa các khu vực trên thế giới; là con đường ngắn nhất để định vị mới nền kinh tế quốc gia trên toàn cầu, động lực quan trọng tiếp tục phát triển và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời cơ và thực lực cho phép chúng ta không nhất thiết đi tuần tự trên địa hạt này. Nhưng, công nghệ cao, theo thời gian, sẽ lạc hậu, nên phải lấy giá trị phát triển làm đầu tiên và cốt lõi. Tức là vấn đề kiến tạo đẳng cấp của nền kinh tế nông nghiệp, rộng hơn là nền kinh tế quốc gia phải được xác quyết trong chuỗi giá trị toàn cầu, trên lộ trình hội nhập quốc tế.

Về chiếc “cánh” thứ hai: Phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp dịch vụ kinh tế biển và công nghiệp du lịch dựa trên nền tảng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Đây là sự lựa chọn với lợi thế của nước đi sau và thực sự phù hợp với chúng ta, xét về địa - kinh tế, địa - xã hội, trong việc lựa chọn những ngành, lĩnh vực trong chuỗi giá trị toàn cầu, cho riêng mình. Trước hết, biển và phát triển biển là một lĩnh vực trong phát triển công nghiệp phụ trợ. Công nghiệp dịch vụ chính là phương tiện để nền nông nghiệp có thể “đi” khắp thế giới, là hướng đi phù hợp với đất nước ta; và thu hút thế giới “đến” với Việt Nam, qua nông nghiệp. Thách thức đó đòi hỏi có 25.000 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp, gấp 2 lần hiện nay; 35.000 hợp tác xã nông nghiệp, gấp 2,3 lần hiện nay, để làm nòng cốt trong cuộc cơ cấu lại nông nghiệp; hơn 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của nông dân đạt 80 triệu đồng/năm, gấp 2 lần hiện nay.

Những tiền đề và lợi thế tự nhiên về địa - chính trị, địa - kinh tế… mang tầm chiến lược của đất nước, những điều kiện thời đại mang lại, hoàn toàn cho phép chúng ta thực thi những trọng sự đó một cách căn bản và xứng tầm. Nó không chấp nhận tình trạng “khoanh vùng cục bộ”, khép kín, rời rạc hay “kinh tế ngành cát cứ” một cách thiển cận, bản vị, phường hội, chi phối bởi “lợi ích nhóm” và các nhóm lợi ích, vô hình trung “xẻ thịt” và “băm nát” nền kinh tế thống nhất, xâm hại sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Vấn đề quan trọng là, hoạch định lộ trình chiến lược từ các vùng kinh tế tới tổng thể nền kinh tế quốc gia, lựa chọn phương thức thực thi và xác định nhịp độ phù hợp phát triển nông nghiệp, không thể nôn nóng, nhưng càng không thể chậm chạp. Tất cả phải tuân thủ sự điều hành của “nhạc trưởng” trên tầm vĩ mô và chiến lược - Nhà nước. 

Thay đổi tư duy về ngành công nghiệp mũi nhọn

Ở góc độ rộng hơn, tỷ lệ công nghiệp hóa/GDP giai đoạn 2011 - 2020 được các chuyên gia ước tính vào khoảng 39%, tức thấp hơn so với mục tiêu 40% của chương trình phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ/GDP trong cùng giai đoạn là 45%, tức đạt mục tiêu của các kế hoạch 10 năm qua. Điều đó càng cho thấy, trong suốt thập kỷ qua, Việt Nam mới “dịch vụ hóa” nền kinh tế chứ chưa phải “công nghiệp hóa”. Kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển hay kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo… cũng ở trong trạng thái ấy. Do đó, xử lý mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển trên lộ trình công nghiệp hóa vẫn đang là thách thức không nhỏ đối với việc kiến tạo động lực và sự phát triển bền vững của nền kinh tế vừa nâng cao sức cạnh tranh vừa bảo đảm sức chống chịu của nền kinh tế trên lộ trình phát triển, nhằm chuẩn bị thực lực toàn diện, để chớp lấy cơ hội cất cánh.

Hiện nay, hơn bao giờ hết, trong tổng thể phát triển kinh tế đất nước, không thể không lấy kinh tế số vừa là một trong những nhân tố nền tảng vừa là động lực lớn để nền kinh tế phát triển bền vững và cất cánh. Theo báo cáo từ Google và Temasek (Singapore), kinh tế số của Việt Nam đạt quy mô khoảng 3 tỷ USD vào năm 2015, đạt 9 tỷ USD vào năm 2018. Theo dự báo, vào năm 2025 tới đây, quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ đạt con số 30 tỷ USD, nếu giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Tổ chức Data61 (Australia) dự báo, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm, nếu quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam diễn ra nhanh chóng và thành công. Và, theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019, qua từng mốc giai đoạn 5 năm, 15 năm từ 2025 - 2030, 2030 - 2045, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực châu Á về sản xuất dịch vụ thông minh, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Người lao động Việt Nam được đặt mục tiêu sẽ trở thành nhóm nhân lực có năng suất lao động cao, hiện đại, có năng lực làm chủ công nghệ trong tất cả các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội tới môi trường, quốc phòng, an ninh.

Vì thế, trên phương diện này, tư duy về cấu trúc lại và tập trung phát triển các ngành công nghiệp phải thay đổi. Cần rũ bỏ tư duy “chương hồi”, “quả đấm thép” với 19 ngành công nghiệp dàn trải và thiếu đột phá như vừa qua và nên chăng hướng vào kiến tạo, phát triển, có thể trước hết với trọng tâm 5 ngành xứng đáng là mũi nhọn gồm: Một là, công nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; hai là, công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế biển (nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, dịch vụ hàng hải…); ba là, công nghiệp dầu khí và năng lượng; bốn là, công nghiệp “xanh” - “không có khói”; và năm là, công nghiệp tin học điện tử, bán dẫn và công nghệ số… Trong tổng thể phát triển này, xin nhấn mạnh: “Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng dự liệu, phải là cương lĩnh hành động đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả.

Đồng thời, cần đổi mới và nắm lấy khâu đột phá của đột phá chiến lược về đổi mới thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về hệ thống huyết mạch kinh tế gồm trước hết đường bộ cao tốc Bắc Nam, liên vùng và liên tỉnh, thành phố, đường ven biển… nhằm tạo “đường băng” và “bầu trời” để nền kinh tế phát triển với gia tốc mới, hội nhập thế giới, bứt phá và cất cánh thành công. Sự thành bại nằm ở chính nơi đây!

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản