Gần 4.000 em bị xâm hại
Báo cáo Ban chỉ đạo Kế hoạch về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021 - 2022, trong 2 năm các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện 3.748 số vụ xâm hại trẻ em (giảm 5,5% số vụ), với 4.354 đối tượng, xâm hại gần 4.000 trẻ em (số trẻ bị xâm hại giảm 5,3% so với cùng kỳ giai đoạn 2019 - 2020); toàn quốc phát hiện 8.227 vụ, với 16.649 đối tượng là người chưa thành niên vi phạm pháp luật (giảm 2,4% số vụ).
Còn theo thống kê từ Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm 2022 có 1.568 lượt trẻ em được trợ giúp pháp lý, chiếm 14,1% tổng số người được trợ giúp pháp lý, trong đó, số lượt trẻ em được trợ giúp pháp lý thông qua hình thức tham gia tố tụng là 1092 lượt người (chiếm 69,6%), còn lại là tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Trong đó, có nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công cho trẻ em. Theo báo cáo từ các địa phương, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công cho trẻ em từ 1.11.2011 đến 30.4.2022 là 320 vụ việc, trong đó có nhiều vụ việc nạn nhân là trẻ em bị xâm hại, bạo lực gia đình.
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang, Bùi Đức Độ cho hay, tuy chưa phản ánh đầy đủ thực trạng hành vi xâm hại trẻ em, nhưng qua số vụ việc trẻ em là bị hại trong các vụ án hình sự được trợ giúp pháp lý năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cho thấy, hành vi xâm hại trẻ em có chiều hướng ngày càng tăng, nhiều nhất là tội xâm hại tình dục. Ở tỉnh Kiên Giang, những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại tính mạng, xâm hại tình dục trẻ em, gây bức xúc dư luận xã hội. Nếu như năm 2021, các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý 51 vụ thì năm 2022 là 68 vụ, tăng 17 vụ (25%), trong đó: Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi 26 vụ, tăng 7 vụ; cố ý gây thương tích 13 vụ, tăng 6 vụ; hiếp dâm trẻ em 19 vụ, tăng 2 vụ; dâm ô người dưới 16 tuổi 7 vụ, tăng 1 vụ; giết người 2 vụ, tăng 1 vụ.
Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau, Ngô Đức Bính chia sẻ thêm, tuổi trẻ em bị xâm hại dưới 13 tuổi đang có xu hướng tăng, đa phần các vụ việc mà đối tượng xâm hại chủ yếu là người thân thích và người quen biết của bị hại.
Rào cản với trợ giúp pháp lý
Thông thường, trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, trợ giúp viên pháp lý cũng có thêm những hỗ trợ khác cho trẻ em và gia đình của trẻ em khi cần thiết như hỗ trợ tài chính, cung cấp địa chỉ, thông tin của các cơ quan liên quan bao gồm cơ quan công an, chính quyền cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể và các dịch vụ hỗ trợ khác như y tế, sức khỏe, kinh tế, tư vấn và các dịch vụ xã hội khác… Điều này xuất phát từ đặc thù tâm lý cũng như hoàn cảnh phổ biến của các em khi bị xâm hại hoặc bạo lực.
Tuy vậy, vì nhiều lý do khác nhau nên gia đình thường muốn giấu kín vụ việc hoặc cam chịu, không chia sẻ thông tin khi có vụ việc xảy ra. Do đó, rất khó cho các cơ quan, tổ chức hữu quan có thể sớm phát hiện và có những biện pháp hỗ trợ phù hợp kể cả việc thực hiện trợ giúp pháp lý.
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP. Cần Thơ Lê Văn Hận nêu thực tế, một số trường hợp gia đình của trẻ em bị xâm hại không tố giác hoặc thời gian tố giác quá trễ, do lo sợ ảnh hưởng đến danh dự và sự phát triển tâm sinh lý, cuộc sống của trẻ sau này, nên các trợ giúp viên pháp lý gặp khó khi tiếp cận, dẫn đến việc trợ giúp pháp lý chưa kịp thời.
Đồng tình với chia sẻ này, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP. Cần Thơ Lê Văn Hận phân tích, trẻ em bị xâm hại thường gặp tổn thương về tinh thần, xấu hổ, tự ti và mặc cảm với mọi người xung quanh hoặc ở độ tuổi quá nhỏ (nhiều trường hợp trẻ chỉ mới 5 tuổi) nên rất khó cung cấp thông tin liên quan đến tình tiết vụ án hoặc các em lo sợ nên che giấu cho đối tượng xâm hại, gây khó khăn trong quá trình tìm hiểu thông tin, lấy lời khai.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, xâm hại trẻ em bao gồm mọi hình thức ngược đãi về thể chất và tinh thần, xâm hại tình dục, xao nhãng, bóc lột gây ra những thương tổn về sức khỏe, tính mạng, khả năng phát triển hay phẩm giá bằng cách lợi dụng chức phận, lòng tin hoặc quyền hạn. Như vậy, hành vi xâm hại trẻ em có thể là hành động hoặc không hành động và việc xử lý thì ở nhiều cấp độ khác nhau, từ nhắc nhở, góp ý, phê bình, kiểm điểm, xử phạt vi phạm hành chính cho đến mức cao nhất là xử lý hình sự.