Nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục

Bài 1: Thích ứng và hội nhập

- Thứ Hai, 15/11/2021, 06:26 - Chia sẻ
Trước hiện tượng khủng hoảng giá trị mang tính toàn cầu hiện nay, giáo dục giá trị và xây dựng văn hóa học đường trở thành một xu thế trong cải cách giáo dục thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là lĩnh vực hết sức phức tạp, bởi lẽ các chuẩn mực, giá trị, niềm tin tạo nên văn hóa học đường chịu tác động của rất nhiều yếu tố, cả trong và ngoài nhà trường. Tại Việt Nam, việc xây dựng văn hóa học đường đã được quan tâm triển khai cả ở cấp hệ thống và các cơ sở giáo dục, song đây vẫn đang là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo.

Đại dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động giáo dục dần chuyển sang không gian ảo, dạy học trực tuyến kéo dài. Bên cạnh đó là tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội… Thực tế này đặt các nhà trường trước thách thức phải thích ứng, hòa nhịp để có thể hoàn thành nhiệm vụ đào tạo ra những công dân tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Văn hóa học đường đang chịu tác động từ nhiều yếu tố
​​​​​​Nguồn: giaoducthoidai.vn

Nhiều yếu tố tác động

“Những hành động mắng chửi, thậm chí đánh học sinh đã có từ lâu trong trường học Việt Nam mà đến giờ không ít người trưởng thành còn nhớ, có người còn bị ám ảnh. Một phần tri thức giáo dục truyền thống được cha ông ta đúc kết qua tục ngữ là 'Thương cho roi, cho vọt/ Ghét cho ngọt, cho bùi'. Hệ quả của nó là, bên cạnh không ít người - nhất là thế hệ lớn tuổi - thấy rằng nhờ phương pháp giáo dục hà khắc đó mà mình nên người, thì cũng có những người bị ám ảnh nặng nề bởi sự bạo hành của thầy cô giáo” - PGS.TS. Nguyễn Xuân Đức, nguyên cán bộ giảng dạy Trường Đại học Sư phạm Vinh nêu thực tế.

Tuy nhiên, khoa học giáo dục đã chứng minh, bạo hành, cả thể chất lẫn tinh thần, đối với trẻ em là phản tác dụng, phải được ngăn chặn triệt để. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc hơn 30 năm nay, nhưng theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Đức, “quan niệm thương cho đòn, ghét cho chơi, dù đã bị lên án thì vẫn chưa hết, bạo hành trong trường học gần đây còn có vẻ gia tăng, với mức độ nghiêm trọng hơn”.

Trong khi đó, quan niệm về sự học và mối quan hệ thầy - trò đã mang một màu sắc mới trên nền tảng những giá trị nhân văn từ truyền thống. Nhà trường từ nơi gìn giữ và trao truyền tri thức trở thành nơi sáng tạo và khuyến khích sáng tạo. Nói về mối quan hệ thầy - trò, mối quan hệ quan trọng nhất trong văn hóa học đường, PGS.TS. Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, cho rằng: “Xu hướng dạy học lấy học sinh làm trung tâm đã đặt học trò lên vị trí chủ thể của giáo dục. Người thầy giờ đây chỉ là người hướng dẫn, gợi mở, dẫn dắt học sinh trên con đường tìm kiếm tri thức. Mối quan hệ thầy - trò trở thành mối quan hệ song hành, dân chủ và không còn sự quyền uy, áp đặt như trước...”.

Chuyển đổi số trong giáo dục, việc học trực tuyến kéo dài thời gian gần đây cũng tác động mạnh tới văn hóa học đường. GS.TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh nhận định, văn hóa mạng tác động trực tiếp và sâu sắc đến văn hóa học đường bởi chủ thể chính của văn hóa học đường là giáo viên, học sinh, trong khi hai chủ thể này khai thác, sử dụng internet, mạng xã hội rất phổ biến. Công nghệ thông tin và thiết bị công nghệ, các phần mềm trở thành công cụ thực thi dạy học càng làm cho văn hóa học đường bị tác động nhiều hơn...

Mặt khác, theo PGS.TS. Trần Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và những biến động đa chiều của thế giới hiện đại đang tác động sâu sắc và đa chiều đến tư tưởng, tình cảm đạo đức và lối sống của nhiều tầng lớp trong xã hội, trong đó có học sinh, sinh viên, làm tăng nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc trong giới trẻ...

Trước những thay đổi từng ngày, từng giờ đó, đòi hỏi phải nhanh chóng hình thành hệ thống chuẩn mực, giá trị, niềm tin tạo nên đời sống văn hóa trong nhà trường.

Đổi mới, phù hợp với thực tiễn

Giáo dục Việt Nam được đánh giá đang ở khúc ngoặt của đổi mới. Theo TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, gần 30 năm qua, đổi mới giáo dục nước ta được thực hiện từng phần, và không tránh khỏi sự chắp vá. Giờ đây, theo tinh thần Nghị quyết 29, giáo dục nước ta đổi mới theo cách tiếp cận tổng thể, toàn hệ thống. “Phẩm chất và năng lực của người học không chỉ sinh ra từ chương trình giáo dục, không tự lớn lên cùng với những bài giảng của thầy cô, và tuyệt nhiên không thể đứng vững trong một môi trường dạy và học bị thao túng bởi các phi giá trị. Kinh nghiệm thành công của các nhà trường trên thế giới chỉ ra rằng, phẩm chất và năng lực của người học chỉ có thể sinh ra, bám rễ và lớn lên trong một môi trường văn hóa học đường tích cực” - TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến chia sẻ.

Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu về quan điểm phát triển trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, “phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”, việc xây dựng văn hóa học đường thực sự cấp thiết. Bởi không chỉ nhằm mục tiêu dạy làm người, ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, văn hóa học đường tích cực và bền vững sẽ giảm việc học sinh bỏ học, nâng cao kết quả học tập và sự phát triển của trẻ cũng như kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để học sinh, sinh viên trở thành những thành viên hữu ích và có trách nhiệm của xã hội. Trong môi trường giáo dục an toàn, được chăm lo, tin cậy và coi trọng thì kết quả học tập của học sinh tăng lên, còn giáo viên thì hài lòng và yêu nghề hơn...

Ở nước ta cho đến nay, vai trò của văn hóa học đường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đã được khẳng định, gần đây có Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025", hay cuộc vận động "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" triển khai từ năm 2008... Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện ở mỗi cơ sở giáo dục mỗi khác, cần có sự đổi mới, phù hợp với bối cảnh mới. Thực tiễn cho thấy, khi giáo dục trong các nhà trường đạt đến các chuẩn văn hóa là giáo dục có chất lượng, văn hóa và giá trị là thước đo của hiệu quả giáo dục mỗi nhà trường.

Nhật Linh - Ngọc Phương