Bộ, ngành quyết liệt
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an, Quyết định 22 là một chính sách mới, có ý nghĩa đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Công tác tái hòa nhập cộng đồng là một chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thời gian qua, công tác này đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù sớm ổn định cuộc sống, không tái phạm tội. Tuy nhiên, công tác này cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu như mong muốn. Trong đó, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Từ thực tế đó, Bộ Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cùng các bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. "Đây là lần đầu tiên chúng ta có một cơ chế rất cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, đồng thời cũng có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Từ góc độ địa phương, Đại tá Lục Thế Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang nhận định, Quyết định 22 mà cụ thể là chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù nhằm hỗ trợ các đối tượng về cư trú tại địa phương để tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút người lao động là người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc; thể hiện chính sách nhân văn, nhân đạo, khoan dung của Đảng và Nhà nước; tạo điều kiện giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù qua các chính sách của Nhà nước; thể hiện trách nhiệm, tình cảm của người thân, gia đình và cộng đồng xã hội đối với người chấp hành xong án phạt tù. Từ đó, xóa đi mặc cảm tự ti, nhằm ổn định cuộc sống, trở thành công dân có ích cho xã hội, hạn chế tái phạm tội để giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tạo điều kiện cho người ta có những cơ hội để làm lại cuộc đời, giúp cho người ta những nguồn vốn để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; góp phần vào công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
"Chúng tôi đang ráo riết chỉ đạo lực lượng công an các cấp trên địa bàn phối hợp với NHCSXH rà soát, đánh giá và tạo điều kiện để giúp cho những đối tượng này được thụ hưởng chính sách một cách kịp thời và thuận lợi nhất" - Đại tá Lục Thế Hưng nhấn mạnh.
Hiện, Hà Giang còn khoảng 800 trường hợp đủ điều kiện để thụ hưởng chính sách nhân văn theo Quyết định 22 của Chính phủ. Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng cho hay, thời gian tới, Hà Giang sẽ tăng cường nguồn ủy thác qua NHCSXH để có thêm nguồn vốn tạo việc làm, tạo điều kiện cho người trở về có thể nhanh nhất, tái hòa nhập và trở lại cuộc sống bình thường.
Ngân hàng sẵn sàng
Chia sẻ thêm về chính sách này, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, Quyết định 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù bao gồm 16 Điều và 2 mẫu biểu, trong đó quy định rõ về đối tượng thụ hưởng, điều kiện vay vốn, phương thức cho vay, mức vốn vay, thời hạn vay vốn, lãi suất cho vay và quy định cụ thể về nguồn vốn cho vay để thực hiện.
Việc quy định các nguồn vốn để bố trí cho vay theo Quyết định số 22, thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
Cụ thể, theo điều 3 của Quyết định 22 thì đối tượng được vay vốn là những người chấp hành xong án phạt tù, bao gồm: Người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận; người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá; các cơ sở sản xuất kinh doanh, bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Chi phí cho việc học tập, nâng cao trình độ tay nghề, chi phí để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm là những mục đích được hỗ trợ vay vốn theo nội dung quyết định này. Đối với cá nhân khi vay vốn để đào tạo nghề thì mức tối đa là 4 triệu đồng/tháng, để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thì mức tối đa là 100 triệu đồng/người. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.
Đặc biệt, Quyết định 22 cũng nêu rõ, thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày người chấp hành xong án phạt tù bắt đầu nhận vốn vay cho đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi). Cụ thể, thời hạn phát tiền vay là khoảng thời gian tính từ ngày người chấp hành xong án phạt tù nhận món vay đầu tiên cho đến ngày kết thúc khóa học, kể cả thời gian người chấp hành xong án phạt tù được các cơ sở đào tạo nghề cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập (nếu có). Còn thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do NHCSXH quy định như sau: Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá một năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. Đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Đối với cho vay để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thì thời hạn cho vay tối đa là 120 tháng.