Công nghệ - tương lai của bảo tàng

Bài 1: Mở rộng không gian trải nghiệm

- Thứ Hai, 17/05/2021, 04:42 - Chia sẻ
Dịch bệnh đang có những tác động lớn tới lĩnh vực bảo tàng. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng là động lực cho sự đổi mới hoạt động của nhiều bảo tàng trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là trong việc tăng cường ứng dụng công nghệ, tư liệu số và sáng tạo các hình thức trải nghiệm, giới thiệu di sản trên không gian mạng.
Trưng bày 3D "Văn hóa Đông Sơn" của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Khám phá bảo tàng tại nhà

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều bảo tàng đã thông báo tạm dừng đón khách tham quan, tuy nhiên, mọi người ngồi tại nhà vẫn có thể khám phá các hiện vật bảo tàng. Vào trang web của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, mục Tham quan 3D cho phép người xem khám phá các trưng bày thường xuyên như “Việt Nam thời Tiền sử, “Văn hóa Đông Sơn”, “Triều Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý, Trần”, “Óc Eo - Phù Nam”; các trưng bày chuyên đề cũng được tái hiện toàn cảnh. Chỉ bằng cú nhấp chuột, khách tham quan vừa nghe thuyết minh, vừa như đang dạo bước, tìm hiểu những góc trưng bày, xem từng chi tiết hiện vật. Đặc biệt, nhấp vào mục “Tương tác với nhà sử học”, ta còn được xem các nhà chuyên môn trực tiếp giới thiệu về điểm đặc sắc trong mỗi không gian trưng bày, những câu chuyện về hiện vật đáng chú ý...

Thông thường khi tham quan bảo tàng, chúng ta sẽ bị hạn chế trong việc quan sát kỹ chi tiết hoa văn hoặc nội dung giới thiệu sâu, phong phú về hiện vật. Với bảo tàng ảo, người xem dễ dàng tìm kiếm hiện vật quan tâm, cận cảnh chi tiết hiện vật. Chẳng hạn, khi quan sát trực tiếp trống đồng Ngọc Lũ qua vách kính, người xem không thể cảm nhận được hết những giá trị của bảo vật quốc gia này, nhưng khi tham quan ảo 3D, có thể phóng to hình ảnh hiện vật, quan sát được chi tiết từng mảng hoa văn trang trí...

Phương thức giới thiệu thông qua số hóa không gian, hiện vật trưng bày thực tế là một cách tiếp cận đã được sử dụng nhiều trên thế giới. Ở Việt Nam, vài năm gần đây, một số bảo tàng cũng ứng dụng cách làm này. Không gian trưng bày được số hóa 3D và đưa lên internet, công chúng có thể tham quan, tương tác từ các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng...

Ngoài Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, một số bảo tàng cũng bước đầu triển khai bảo tàng 3D. Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà cho biết, Bảo tàng đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng các trưng bày online hướng tới những đối tượng khách tham quan không có điều kiện đến Bảo tàng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài. Đến nay, trang web của Bảo tàng Hồ Chí Minh cho phép công chúng từ xa có thể khám phá qua Bảo tàng 3D các trưng bày  như: Quê hương, gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Pác Bó Cách mạng, Việt Nam chiến đấu và chiến tháng 1946 - 1954...

Kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng (18.5) năm nay, Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM) chọn chủ đề "Tương lai của bảo tàng: Phục hồi và đổi mới" (The Future of Museums: Recover and Reimagine) với mục đích khuyến khích các bảo tàng, chuyên gia, đối tác trong lĩnh vực bảo tàng và di sản văn hóa, tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức để tạo ra các giá trị mới cho di sản văn hóa, đề xuất giải pháp, mô hình hoạt động, hợp tác mới của các thiết chế văn hóa, bảo tàng. Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra là tăng cường ứng dụng số đưa nội dung hoạt động, trưng bày chuyên đề của bảo tàng đến với khách tham quan, thu hẹp khoảng cách giữa bảo tàng và công chúng.

Trải nghiệm mới cho khách tham quan

Ngoài bảo tàng 3D mới được một số ít đơn vị triển khai, các ứng dụng công nghệ cũng được nhiều nơi áp dụng, nhằm đưa tới trải nghiệm mới mẻ cho công chúng, tăng sức hấp dẫn của bảo tàng, phát huy giá trị hiện vật.

Tháng 4 vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh, đây là ứng dụng đa phương tiện (audio, text, ảnh chất lượng cao), trợ giúp người dùng tham quan trực tuyến hoặc trực tiếp tại Bảo tàng. Hơn cả một ứng dụng thuyết minh tự động thông thường, iMuseum VFA còn có những tính năng vượt trội như cho phép xem hình ảnh chất lượng cao của tác phẩm; đọc nội dung bài giới thiệu; xác định chính xác vị trí trưng bày hiện vật; xem sơ đồ hệ thống trưng bày; phân biệt các phòng đã, đang và chưa tham quan bằng màu sắc… với 9 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha, Italy và Đức. Ứng dụng iMuseum VFA được kỳ vọng trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho du khách trong quá trình khám phá, tìm hiểu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, góp phần lan tỏa tình yêu nghệ thuật đối với công chúng và thu hút khách tham quan đến với Bảo tàng.

Ứng dụng thuyết minh tự động cũng đã được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Đà Nẵng... đưa vào sử dụng từ lâu, giúp giới thiệu những câu chuyện, hiện vật tiểu biểu, tạo điều kiện cho khách tham quan, đặc biệt là khách lẻ có thể chủ động tìm hiểu qua nhiều ngôn ngữ. Điều này cũng rất phù hợp trong bối cảnh các bảo tàng không thể sắp xếp đủ số lượng hướng dẫn viên các ngôn ngữ và cũng là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc do Covid-19.

Nhiều bảo tàng ứng dụng công nghệ, vận dụng nhiều hình thức trưng bày tương đối mới nhằm gây ấn tượng với công chúng như thực tế ảo (VR) hay thực tế ảo tăng cường (AR), sử dụng kính thực tế, du khách như đặt mình vào không gian bảo tàng và trải nghiệm; sử dụng công nghệ màn hình trong suốt giúp khách tham quan tương tác đa chiều hơn để tìm hiểu chi tiết nội dung hiện vật...

Có thể thấy, những năm gần đây, các bảo tàng nỗ lực đổi mới trưng bày (xây dựng mới hoặc nâng cấp), khá chú trọng ứng dụng công nghệ để thu hút khách tham quan và đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, với nhiều đơn vị, đây vẫn là lĩnh vực mới nên trong quá trình thực hiện cũng còn nhiều hạn chế, bất cập.

Thảo Nguyên