Đó là một thực tế đáng chú ý được chỉ ra trong Nghị quyết HĐND của tỉnh Bình Dương về kết quả giám sát việc thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa trên địa bàn tỉnh.
Chưatạo sự đột phá trong toàn hệ thống
Theo ghi nhận của HĐND tỉnh, thời gian qua, việc thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Cùng với kêu gọi, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án xã hội hóa, các cấp, các ngành đã tăng cường công tác quản lý nhà nước thông qua việc thẩm định, cấp phép đầu tư, xây dựng; theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở ngoài công lập; tăng cường thanh, kiểm tra. Nhiều dự án xã hội hóa với quy mô khác nhau được doanh nghiệp quan tâm đầu tư, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp, bổ sung nguồn lực trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường... Qua đó, góp phần giảm áp lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị quyết HĐND tỉnh Bình Dương cũng thẳng thắn chỉ ra: việc huy động các nguồn lực xã hội hóa vẫn còn khiêm tốn; hoạt động đầu tư, hợp tác của khối tư nhân vào các lĩnh vực xã hội hóa bằng các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, đối tác công - tư còn đơn lẻ, chưa tạo sự đột phá trong toàn hệ thống. Kết quả thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa ngoài công lập giữa các địa phương trong tỉnh còn chênh lệch nhiều, chủ yếu tập trung tại khu vực đô thị (thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát), các huyện như Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.
Cụ thể, công tác đầu tư của một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chưa theo quy hoạch, thiếu sự ổn định, bền vững. Việc thu hút các dự án y tế tư nhân với quy mô lớn, chất lượng cao còn hạn chế; chưa thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư. Nhiều đơn vị y tế công lập chưa phát huy tính năng động, tự chủ và trách nhiệm; mức độ thực hiện chủ trương chuyển đổi bộ phận trong từng cơ sở y tế công lập thành cơ sở xã hội hóa, cơ sở công lập tự cân đối thu chi còn chậm. Tốc độ đầu tư theo hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa còn chậm, việc thu hút xã hội hóa đối với các loại hình như thư viện, triển lãm, bảo tàng, văn hóa nghệ thuật dân tộc... còn hạn chế. Trong lĩnh vực môi trường, chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án xã hội hóa mà tỉnh đang rất cần như đầu tư xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, xử lý nước thải...
Nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai
Có một thực tế đáng chú ý Nghị quyết HĐND tỉnh Bình Dương chỉ ra: đa phần các dự án xã hội hóa triển khai thực hiện do doanh nghiệp tự tham gia đầu tư, không phải là các dự án được đầu tư từ việc thụ hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa của Nhà nước (do dự án không đáp ứng các tiêu chí, điều kiện thụ hưởng theo quy định hoặc do nhà đầu tư lo ngại khi gặp các vướng mắc về thủ tục, về đất đai...). Thời gian qua, doanh nghiệp chỉ mới tiếp cận được chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc sử dụng tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết còn vướng nhiều quy định, chưa có hướng dẫn cụ thể. Việc triển khai thực hiện kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa theo Quyết định số 1591/QĐ-UBND ngày 14.6.2018 của UBND tỉnh chưa mang lại hiệu quả rõ rệt do còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai. Theo danh mục, có 361 dự án được UBND tỉnh kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa nhưng chỉ có 19 dự án (chiếm 5,9%) thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư, còn 342 dự án không thu hút được.
Trong lĩnh vực y tế, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các phòng khám, bệnh viện đã chính thức đi vào hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực (1.1.2025) phải có giấy phép môi trường. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 105/113 cơ sở y tế (chiếm hơn 90%) chưa có giấy phép môi trường, nên có nguy cơ phải ngừng hoạt động, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này đều được xây dựng, cải tạo từ việc thuê đất hoặc nhà ở dân sinh nên khi thực hiện thủ tục để xin cấp phép môi trường gặp vướng mắc vì mục đích sử dụng đất và giấy phép xây dựng đều không phù hợp với hoạt động y tế.