Mục tiêu tổng vốn đầu tư FDI đạt hơn 1,1 tỷ USD
Theo đó, vốn thu hút tập trung trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chip bán dẫn và các ngành công nghiệp mới là tín hiệu tốt, kỳ vọng tạo đột phá để thu hút các dòng vốn đầu tư mới, tác động đến tăng trưởng của tỉnh.
Tỉnh Bắc Ninh quyết tâm thực hiện mục tiêu phấn đấu thu hút tổng vốn đầu tư FDI đạt hơn 1,1 tỷ USD trong năm 2024. Hai tháng đầu năm, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với tỉnh Bắc Ninh đã và đang tiếp tục tăng lên, có thêm 78 dự án FDI đăng ký mới, tăng đột biến (tăng 49 dự án, tức tăng 169%) so với cùng kỳ.
Trong đó, các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Trung Quốc có 46 dự án; Hồng Kông 14 dự án; Singapore 9 dự án… Tổng vốn đăng ký mới đạt 199,1 triệu USD, tăng 67,5 triệu USD, tương ứng tăng 51,3% so cùng kỳ. Điều chỉnh vốn cho 34 dự án, với số vốn điều chỉnh tăng là 170,9 triệu USD (tăng 92,9 triệu USD so cùng kỳ); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với giá trị là 23,9 triệu USD (tăng 22,7 triệu USD).
2 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh vào Bắc Ninh đạt 383,9 triệu USD. Cùng với thu hút vốn đầu tư nước ngoài, toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 9 dự án trong nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 2.014,6 tỷ đồng và cấp điều chỉnh đăng ký đầu tư cho 19 dự án, tổng số vốn điều chỉnh tăng 87,2 tỷ đồng.
Ngoài dự án đã đăng ký đầu tư, còn nhiều dự án triển vọng trong thời gian tới như: Tập đoàn Công nghệ CMC đang xúc tiến đầu tư, dự kiến dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC tại Bắc Ninh với quy mô từ 20ha trở lên. Đoàn doanh nghiệp quận Marzahn-Hellersdorf, Béc-lin (CHLB Đức), tìm hiểu trao đổi về cơ hội hợp tác giữa tỉnh Bắc Ninh và Marzahn-Hellersdorf trong lĩnh vực giáo dục, y tế và bất động sản.
Công ty Kine SiC Semi (Mỹ) đang tìm hiểu, xúc tiến để đầu tư vào Bắc Ninh xây dựng nhà máy chuyên sản xuất chip công nghệ cao ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, với diện tích ban đầu 7.500m2, tổng vốn đầu tư từ 150 đến 200 triệu USD. Sự hiện diện của Tập đoàn Amkor tại Khu Công nghiệp Yên Phong 2C sẽ tạo thêm “hiệu ứng” dẫn dắt các nhà sản xuất bán dẫn, chip của Hoa Kỳ, Hàn Quốc đầu tư vào Bắc Ninh…
Nỗ lực duy trì vị thế dẫn đầu
Dòng vốn FDI vào Bắc Ninh vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang giảm sút. Các tập đoàn, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về thu xếp nguồn vốn, trong khi các nước ở khu vực đưa ra nhiều chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư ngày càng có tính cạnh tranh cao, cho thấy kết quả thu hút FDI nói trên là một thành công lớn của tỉnh. Tuy nhiên, không quá chủ quan vào kết quả đó, Bắc Ninh vẫn đang nỗ lực, quyết tâm làm mới để duy trì vị thế dẫn đầu.
Về giải pháp đột phá để thu hút FDI trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, tỉnh sẽ tập trung giải quyết các lĩnh vực nhà đầu tư đang quan tâm đó là hạ tầng và đất đai; nguồn nhân lực và môi trường đầu tư.
Trong đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là cải cách về thủ tục hành chính quy định rõ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Ngày 7.2.2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 49/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, với mục tiêu “kép” vừa chủ động tiếp xúc với các đối tác tiềm năng tại nước ngoài; vừa tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực mới phát triển toàn diện các ngành kinh tế theo hướng bền vững.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Xây dựng chương trình, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động và thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thu hút các dự án có công nghệ cao, tăng hàm lượng khoa học, suất đầu tư lớn, giảm định mức về sử dụng đất, tài nguyên, năng lượng, lao động, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường.
Về mặt bằng, với 24 dự án hạ tầng Khu Công nghiệp, Bắc Ninh hiện còn khoảng 4.000 đến 5.000ha đất sẵn sàng đón nhà đầu tư. Hiện có một vài Khu Công nghiệp phát triển xanh và đang hoạt động hiệu quả như VSIP, Viglacera… Việc Viglacera công bố đưa vào hoạt động Khu Công nghiệp xanh Thuận Thành Eco-Smart IP cũng kỳ vọng sẽ có nhiều đổi mới về thu hút đầu tư của địa phương. Về nguồn nhân lực, tỉnh đang xây dựng Nghị quyết HĐND về hỗ trợ đào tạo lĩnh vực công nghệ cao, nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư.