Tình trạng khai thác sai phép vẫn diễn ra
Là một tỉnh đang trong giai đoạn “vàng” phát triển, do đó tài nguyên, khoáng sản được coi là nguồn lực quan trọng để Bắc Giang phát triển kinh tế - xã hội. Để hạn chế những điểm "nóng" về khai thác khoáng sản gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ ngày 9.12.2022 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết ban hành góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Công tác thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản đã từng bước được chấn chỉnh, dần đi vào nền nếp và gắn với bảo vệ môi trường. Nhiều điểm “nóng” khiến dư luận bức xúc đã hạ nhiệt.
Mặc dù vậy, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản ở một số địa phương vẫn còn hạn chế. Tình trạng khai thác sai phép vẫn diễn ra; công tác thanh tra, kiểm tra sau cấp phép chưa thường xuyên dẫn đến một số sai phạm chưa được xử lý kịp thời.

Đơn cử, như trưa ngày 31.3, Tổ công tác của Công an huyện Lạng Giang mật phục, bắt quả tang một tàu không biển kiểm soát và một số đối tượng khai thác khoáng sản trái phép trên sông Thương đoạn Km58+600 thuộc thôn Gai Bún (xã Đào Mỹ, Lạng Giang). Khi tổ công tác ập lên tàu, máy hút cát và hệ thống sàng lọc vẫn đang hoạt động, vòi hút cắm dưới lòng sông; trong lòng tàu có khoảng 5m3 cát tang vật. Công an huyện Lạng Giang phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý các đối tượng và tang vật, tạm giữ phương tiện theo quy định pháp luật.
Đó chỉ là một trong những vụ việc được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý gần đây. Trên thực tế, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra trên. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về việc chấp hành pháp luật về tài nguyên khoáng sản của một số cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp chưa đầy đủ. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành chức năng và địa phương trong quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản thiếu chặt chẽ; năng lực, trình độ của một số cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản chưa đáp ứng yêu cầu. Trước lợi ích rất lớn việc khai thác khoáng sản trái phép nên một số cá nhân, doanh nghiệp đã cố "lờ" đi các quy định của pháp luật để nhằm chuộc lợi cho mình.
Nghiêm cấm lợi dụng nạo vét, khơi thông luồng để khai thác trái phép
Trước thực trạng nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có Công văn số 1890/UBND-KTN yêu cầu các sở, cơ quan, đơn vị của tỉnh và UBND huyện, thành phố chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xác định, thẩm định và tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt tiền hoàn trả chi phí điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước đối với các giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm cấp phép của UBND cấp tỉnh.
Kiểm tra, rà soát các giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh và các văn bản cho phép thu hồi khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án đầu tư đã được phê duyệt, cho phép trên địa bàn tỉnh bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, yêu cầu các ngành chức năng phải kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gây mất an toàn lao động; gây tổn thất lớn khoáng sản; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tác động xấu đến cảnh quan môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, di sản địa chất và các vi phạm khác theo Luật Khoáng sản năm 2010.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường của cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc, yêu cầu các cơ sở khai thác khoáng sản đã hết hạn Giấy phép khai thác khoáng sản thực hiện đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở cố tình không chấp hành. Chủ động xử lý hoặc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định…
Các cơ quan truyền thông của tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí, nhất là định hướng thông tin mạng xã hội trong việc đấu tranh phê phán, lên án đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết kinh doanh tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường. Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các địa phương, cơ quan liên quan trong việc thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản, nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực giáp ranh, đặc biệt là khoáng sản cát, sỏi lòng sông. Nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, khai thác khoáng sản trái phép.

“ Chủ tịch UBND các huyện, thành phố hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn quản lý gây hậu quả nghiêm trọng mà không chỉ đạo kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền hoặc thiết lập hồ sơ vi phạm và báo cáo, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định”, Công văn yêu cầu.