Áp lực tăng dân số cơ học

- Thứ Bảy, 26/04/2014, 08:30 - Chia sẻ
Tăng dân số cơ học đang là một vấn đề đặt ra đối với các đô thị lớn ở nước ta... Bên cạnh những tác động tích cực như phát triển lực lượng lao động trẻ, tạo điều kiện tập trung nguồn nhân lực có chất lượng cao... tăng dân số cơ học đang là áp lực lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị...
 
Nguồn: phapluatxahoi.vn

Trong những năm gần đây, mặc dù các ngành chức năng và chính quyền đã có nhiều nỗ lực cố gắng, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… vẫn chưa được vãn hồi. Tăng dân số cơ học được coi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng này.

Theo số liệu thống kê cho thấy, sau 3 năm điều chỉnh địa giới hành chính, dân số Hà Nội đạt trên 7,1 triệu người. Điều đáng nói là trong 5 năm trở lại đây dân số Hà Nội đã tăng khoảng 43 vạn người trong đó tăng dân số cơ học lên tới 5 vạn người/năm; tốc độ tăng dân số bình quân của Hà Nội là 3%, trong đó, dân số cơ học tăng 1,8%... TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 7,8 triệu người với mật độ dân số cao gấp 13 lần một độ trung bình của cả nước. Bình quân một năm thành phố tăng 208 ngàn người, gần bằng số dân một quận trung bình. Dự báo đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ lọt vào top siêu đô thị - trên 10 triệu dân. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tốc độ tăng dân số cơ học bình quân hàng năm của thành phố là 2,5%... Dân số của Đà Nẵng hiện nay là 967.800 người. Theo thống kê, mỗi năm tăng dân số cơ học của Đà Nẵng khoảng 10 nghìn người, tỷ lệ tăng hằng năm từ 6% đến 7%. Dự báo, đến năm 2020, dân số của thành phố sẽ là 1,6 triệu người; với 1,3 triệu người trong số đó là dân số đô thị.

Với số lượng dân số đông, đồng thời tăng dân số cơ học hàng năm cao như vậy, các đô thị ở nước ta đang phải chịu sức ép về kinh tế, xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giải quyết việc làm, chăm sóc y tế và bảo vệ môi trường... Nhiều chuyên gia cảnh báo: cứ đà tăng dân số cơ học như hiện nay thì dù có quy hoạch chi tiết đến đâu cũng có nguy cơ bị phá vỡ. Có cố gắng đầu tư tiền tỷ xây dựng đường sá, nhà ở, trường học, bệnh viện… cũng không thể đáp ứng xuể. Nhìn từ góc độ dân số và phát triển, cùng với áp lực tăng dân số cơ học, thì đồng thời chất lượng dân số các đô thị cũng theo đó cũng giảm. Việc kiểm soát quy mô, cơ cấu dân số gặp khó khăn. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình không bảo đảm.

Để giảm áp lực tăng dân số cơ học cho các đô thị, nhiều ý kiến khuyến nghị cần đưa vấn đề này vào việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, cân đối phát triển giữa các vùng miền; đưa chính sách cho những người di cư vào trong chiến lược phát triển quốc gia.

Theo PGs.Ts Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh: tăng dân số cơ học là bài toán chung về đô thị Việt Nam. Để giải bài toán này, một mặt phải quản lý cho được dân số vãng lai, phải nắm rõ nguồn gốc, nguyên nhân di dân, ngành nghề, độ tuổi lao động của dân nhập cư…; mặt khác, không chỉ các đô thị lớn giải bài toán tăng dân số cơ học mà Chính phủ cũng cần vào cuộc để điều tiết phát triển nền kinh tế các vùng miền cho phù hợp.

Luật gia Đặng Đình Thịnh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam cho rằng: không thể sử dụng “hàng rào” hành chính để hạn chế tăng dân số cơ học, mà phải dùng chính sách kinh tế, xã hội để điều chỉnh vấn đề di dân. Xử lý vấn đề này cần có chiến lược, chính sách mang tầm quốc gia. Để hạn chế lực lượng lao động phổ thông đổ về các đô thị lớn, Chính phủ cần đầu tư, hỗ trợ thích đáng cho các tỉnh phát triển kinh tế “tại chỗ”; tích cực hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp vươn ra các tỉnh, thành lân cận để mở mang nhà máy, xí nghiệp.

Tại Hội thảo Quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô Hà Nội - vấn đề và giải pháp do Bộ Xây dựng, Bộ GT - VT và Tổ chức Healthbridge Canada tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đề xuất: để giảm ách tắc giao thông cần giảm áp lực tăng dân số cơ học, cụ thể là tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc di cư, nhập cư, nhập khẩu ở nội thành theo Luật Cư trú 2013; khẩn trương di dời cơ sở sản xuất, đào tạo, y tế ra khỏi nội đô và hạn chế tối đa xây dựng nhà ở mới tại quỹ đất này; xây dựng và phát triển các khu đô thị vệ tinh, bệnh viện vệ tinh…

Có thể nói, tăng dân số cơ học đang là vấn đề mà các đô thị lớn ở nước ta phải đối mặt. Để giải quyết vấn đề này cần có chiến lược, chính sách toàn diện, mang tầm quốc gia và cần sự phối hợp giữa chính sách vĩ mô của Chính phủ và chủ trương hợp lý của các đô thị lớn.

Hoàng Phương