Anh cán bộ “Đại đoàn kết”

- Thứ Hai, 06/12/2021, 13:38 - Chia sẻ
Tại làng Chăm Đa Phước, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang, người ta thường nhắc đến tên Du Số - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đa Phước với sự ngưỡng mộ và cảm phục. Từ lâu anh Du Số không chỉ được biết đến là thanh niên tiêu biểu của đồng bào Chăm mà còn là một đảng viên tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các phong trào địa phương cũng như vận động đồng bào tích cực thi đua yêu nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những ngày đầu tháng 11, Du Số tất bật xuống các khóm, ấp để hướng dẫn bà con tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Anh quan niệm, niềm vui lớn nhất của mình chính là góp phần làm chuyển biến nhận thức của đồng bào Chăm, thay đổi các tập tục lạc hậu, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Trên cương vị công tác của mình, Du Số thường xuyên hỗ trợ bộ phận “Một cửa” thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là những giấy tờ liên quan đến đồng bào dân tộc. Anh tham gia cùng nhà trường vận động học sinh đến trường đúng độ tuổi, vận động tiền và hiện vật hỗ trợ trẻ em nghèo có điều kiện đi học…

	Anh Du Số (hàng đầu, trong trang phục truyền thống) tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên huyện An Phú
Anh Du Số (hàng đầu, trong trang phục truyền thống) tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên huyện An Phú

Đặc biệt, thời gian qua Du Số đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền bà con tích cực tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương, góp phần đưa Đa Phước trở thành xã nông thôn mới. Hằng năm, trong vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đa Phước, anh phối hợp với các cấp, ngành tổ chức từ 1 - 3 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng, chống tệ nạn xã hội, mua bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới; pháp luật an toàn giao thông; phòng, chống HIV/AIDS, bảo hiểm y tế... giúp đồng bào nâng cao nhận thức, chấp hành tốt các quy định của pháp luật.  

Vừa lo công tác mặt trận, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ tình hình an ninh trật tự trong thôn ấp… có cảm tưởng như với từng ấy trách nhiệm đã là quá nhiều. Ấy vậy mà sức làm việc, sức đọc và nghiên cứu của Du Số khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Là một tuyên truyền viên giỏi, lại luôn yêu kính Bác, anh không những bỏ công sưu tầm nhiều tài liệu, sách báo viết về Bác để nghiên cứu, trau dồi thêm kiến thức mà còn có mong muốn tự mình có thể viết về Bác, hiểu Bác bằng tâm hồn của người Chăm, theo cách nghĩ của người Chăm.

Qua chia sẻ của Du Số, chúng tôi hiểu rằng trong anh không chỉ có quyết chí cùng bà con xây dựng quê hương trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu mà còn có ước mơ đưa Đa Phước trở thành một vùng quê giàu có. Anh là cầu nối hòa giải mọi bất đồng giữa các hộ dân trong ấp, giữa bà con trong ấp với các ấp láng giềng. Anh đặc biệt chăm lo việc xây dựng, củng cố tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc Chăm ở Đa Phước, giữa các xóm Chăm trong huyện, trong tỉnh và giữa người Chăm với người Kinh. Vì vậy, số vụ xích mích giữa con em người Chăm với người Kinh đã giảm đáng kể. Hẳn là vì lẽ ấy mà Du Số có biệt danh “anh cán bộ Đại đoàn kết”.

Do tập tục của đồng bào Chăm, người phụ nữ bị hạn chế bởi rất nhiều quy định. Cũng chính vì thế mà các cô gái Chăm ít tham gia các chương trình văn hóa - văn nghệ. Vậy là Du Số đến từng hộ gia đình xin phép để cho các thanh, thiếu niên tham gia giao lưu học hỏi, sinh hoạt văn thể mỹ. Từ đó, nhiều thanh, thiếu niên là người Chăm được biểu diễn trên các sân khấu, tích cực tham gia các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang, có gần 100 diễn viên quần chúng là đồng bào Chăm xã Đa Phước tham gia. Đội văn nghệ đồng bào Chăm xã Đa Phước còn tham gia biểu diễn tại Hà Nội 2 đợt với 45 người, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...

Nói về cán bộ của mình, Bí thư Đảng ủy xã Đa Phước Nguyễn Văn Dũng khẳng định: “Anh Du Số là đảng viên trẻ tiêu biểu của xã, luôn gương mẫu, nhiệt tình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có uy tín trong cộng đồng dân tộc Chăm nên rất thuận lợi trong các hoạt động tuyên truyền, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, nhất là công tác phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc Chăm và thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc ở địa phương”.

Tâm nguyện của anh Du Số đã trở thành hiện thực từ nhiều năm nay, xã Đa Phước đã dần phát triển bền vững trên mọi phương diện. Gặp những người như anh Du Số cùng bà con Chăm ở Đa Phước, chúng tôi nhận ra nhiều điều từ những con người chân chất, cởi mở và vô cùng thân thiện. Họ giúp người như chính bản thân, không bận chi thua thiệt. Sau này, trên hành trình công tác của mình, tôi thường nhớ về người cán bộ ấy cùng bà con của làng Chăm Đa Phước với một niềm vui ấm áp.

Phạm Vân Anh