Tới dự chương trình Lễ hội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các Tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện Ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố bạn; các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn; các Tập đoàn kinh tế lớn đầu tư tại thành phố…
Về phía lãnh đạo thành phố có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lê Tiến Châu; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đỗ Mạnh Hiến; Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ; lãnh đạo HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố; nguyên lãnh đạo thành phố các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương, cùng đông đảo Nhân dân, du khách trong và ngoài nước.
Dấu ấn đặc biệt
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng khẳng định: Hải Phòng là nơi “đầu sóng ngọn gió” để bảo vệ tổ quốc; thành phố luôn tự hào về truyền thống “trung dũng - quyết thắng”. Hải Phòng được biết đến từ thời Nữ tướng Lê Chân khai hoang - lập trang An Biên; Hải Phòng có dòng sông Bạch Đằng lịch sử với những chiến công hiển hách của cha ông ta để giành độc lập cho dân tộc.
Hải Phòng tiếp tục là địa phương “đi trước về sau”, vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương vững chắc trong những năm kháng chiến cứu nước; là nơi có nhiều đột phá trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, đã gợi mở và góp phần với Trung ương để ban hành Chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 về “khoán trong nông nghiệp”. Nhiều năm gần đây, kinh tế - xã hội của thành phố luôn phát triển mạnh mẽ và đột phá, bình quân 9 năm liền GRDP đạt 12,7 %/năm.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh: Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng 2024 có dấu ấn đặc biệt, bởi thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh cùng nhau đón nhận Quyết định của UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Từ năm 1992, tỉnh Quảng Ninh đã lập hồ sơ trình và được UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994; lần thứ hai Vịnh Hạ Long tiếp tục được ghi danh vào năm 2000. Tiếp theo đó, tỉnh Quảng Ninh - Vùng đất phía Đông Bắc của Tổ quốc đã phát huy vị thế thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh để phát triển du lịch, do đó GRDP của Quảng Ninh 9 năm liên tiếp đạt trên 10%/năm.
Để nâng tầm giá trị Vịnh Hạ Long, từ năm 2011 Quảng Ninh và Hải Phòng đã thống nhất và song hành lập Hồ sơ trình UNESCO để Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào ngày 16.9.2023.
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng trân trọng cảm ơn UNESCO, Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các tổ chức khác đã quan tâm giúp đỡ 2 địa phương; cảm ơn tỉnh Quảng Ninh đã đồng hành với thành phố Hải Phòng. Hải Phòng cùng với Quảng Ninh sẽ xây dựng Chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy tối đa giá trị đối với Di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Đối với thành phố Hải Phòng, từ những năm dựng nước và giữ nước, Nhân dân rất chú trọng xây dựng các công trình văn hóa, các cơ sở tâm linh, tín ngưỡng có giá trị văn hóa cho muôn đời sau. Hiện nay, Hải Phòng đã có 132 Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia, trong đó có 2 Di tích quốc gia đặc biệt; có 21 Bảo vật quốc gia được công nhận, được xếp trong tốp đầu cả nước.
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, Hải Phòng rất coi trọng giá trị văn hóa và đời sống tinh thần của người dân, vì văn hóa là động lực và là mạch nguồn của sự phát triển. Với truyền thống lịch sử - văn hóa - con người Hải Phòng cùng với những Di sản văn hóa đã được vinh danh sẽ là tiền đề là động lực quan trọng để thành phố phấn đấu Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và thực sự “trở thành động lực phát triển của cả nước” - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng khẳng định
Di sản có giá trị nổi bật toàn cầu của cả nhân loại
Tại chương trình, đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam trao bằng công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới liên tỉnh - thành phố đầu tiên ở Việt Nam. Đây là thành quả của hơn 12 năm nỗ lực chuẩn bị hồ sơ đệ trình cũng như vận động, bảo vệ, gìn giữ di sản của các cấp, các ngành Trung ương, thành phố Hải Phòng; là minh chứng về sự liên kết hợp tác hiệu quả giữa 2 địa phương Hải Phòng - Quảng Ninh và sự chung tay của các doanh nghiệp, chính quyền và người dân huyện đảo Cát Hải. Vinh dự này tạo cơ hội thiết lập một thương hiệu du lịch quốc tế, cũng đặt ra trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân trong bảo tồn, phát huy tốt giá trị Di sản thiên nhiên thế giới.
Đánh giá cao những nỗ lực phi thường của Việt Nam và 2 địa phương để Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định: Với việc được ghi danh vào danh sách di sản thế giới, Quần đảo Cát Bà nhận được sự công nhận cao nhất của UNESCO, trở thành một di sản có giá trị nổi bật toàn cầu của cả nhân loại. Điều này góp phần nâng cao hơn về danh tiếng cũng như mang lại nhiều cơ hội lớn cho Hải Phòng bởi sự quan tâm đặc biệt của công chúng, các đối tác, nhà đầu tư và du khách.
Nhấn mạnh hợp tác chính là yếu tố then chốt để bảo vệ khu vực di sản, phát huy được giá trị trong đời sống, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đề nghị thành phố Hải Phòng, cũng như các cơ quan chính quyền Trung ương và địa phương của Việt Nam tiếp tục cam kết thực hiện 5 khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới trong quyết định ghi danh Di sản thế giới mở rộng từ Vịnh Hạ Long tới quần đảo Cát Bà.
Tiếp sau đó là Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” được dàn dựng với chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện các giá trị, nét đặc trưng tiêu biểu nhất về huyền thoại, lịch sử, di sản văn hoá, hình ảnh, con người Hải Phòng.