Đủ sức thể chế hóa, cụ thể hóa và triển khai
Theo Báo cáo của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, bên cạnh những kết quả đạt được, do nhiều khó khăn khách quan còn một số hạn chế, vướng mắc như: trong các năm 2022, 2023 do biến động về thị trường lãi suất nên không phát hành được trái phiếu chính quyền địa phương. Đối với nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại, tiến độ giải ngân dự án chậm hoặc không giải ngân hết. Mặc dù thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề xuất đối với một số loại phí, lệ phí nhưng tính khả thi chưa cao, chưa phù hợp với tình hình thực tế nên chưa thực hiện được nội dung thí điểm về phí, lệ phí.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/2021/QH15, bài học được rút ra là: các bộ, cơ quan trung ương, đặc biệt là thành phố Hải Phòng tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu; xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, lâu dài của toàn Đảng, phải thể hiện tinh thần chủ động, trách nhiệm, quyết tâm chính trị cao, tạo thống nhất về nhận thức và hành động trong quán triệt, triển khai thực hiện.
Các bộ, cơ quan trung ương và thành phố Hải Phòng cần tăng cường tập trung, củng cố xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức để đủ sức thể chế hóa, cụ thể hóa và đủ sức tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, khơi thông, huy động được các nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện và tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan theo thẩm quyền.
Tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù mới, hiệu quả
Để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội, giải pháp được đưa ra trong Báo cáo của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng là các bộ, ngành trung ương và thành phố Hải Phòng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá giới thiệu thế mạnh, tiềm năng, cơ chế, chính sách khuyến khích của Hải Phòng để thu hút đầu tư; cải cách hành chính, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện; thường xuyên kiểm tra, rà soát tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện; tạo điều kiện thuận lợi cho các tập thể và cá nhân tiếp cận, thụ hưởng chính sách.
Xây dựng, thực hiện các biện pháp tăng thu ngân sách hàng năm, trong đó có các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố Hải Phòng so với dự toán Chính phủ giao và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% theo quy định. Mục đích để phát huy tối đa cơ chế, chính sách đặc thù ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư trở lại cho TP. Hải Phòng. Tiếp tục tăng cường triển khai các nội dung cải cách hành chính, chuyển đổi số gắn với các ứng dụng chính quyền điện tử, thành phố thông minh để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, quản lý xã hội và phục vụ người dân, doanh nghiệp hiện đại, tiện ích hơn.
Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù mới, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố Hải Phòng trong thời kỳ mới. Đặc biệt sau khi Bộ Chính trị có kết luận về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở sơ kết Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và xuất phát từ thực tiễn nhu cầu phát triển của thành phố Hải Phòng; nhằm tiếp tục thể chế hóa định hướng chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hải Phòng đã nghiên cứu, tham khảo một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua và cho phép áp dụng tại một số địa phương (TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, tỉnh Nghệ An) để điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho TP. Hải Phòng trong thời gian tới nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, nhất là về quy hoạch, đầu tư, đô thị, đất đai, ngân sách... tạo tiền đề quan trọng cho Hải Phòng phát triển kinh tế bứt phá, trở thành động lực tăng trưởng của cả nước, lan tỏa cả vùng.
Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, cho phép bổ sung nội dung xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và thông qua tại kỳ họp gần nhất.