Chính phủ đã giới thiệu ba dự luật, nhằm sửa đổi Bộ luật Hình sự Ấn Độ, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Bằng chứng Ấn Độ ra Quốc hội, trong đó tập trung đặc biệt vào việc cung cấp các cơ chế hiệu quả hơn để giải quyết các tội ác chống lại phụ nữ, và xử lý sự chậm trễ không thể chấp nhận được trong hệ thống tư pháp có thể khiến nhiều vụ án kéo dài 15-30 năm mới có phán quyết.
Một trong những điều khoản quan trọng trong các dự luật mới là tăng cường tập trung bảo vệ phụ nữ khỏi những tội ác ghê tởm. Hành vi hiếp dâm tập thể có thể phải chịu án tù 20 năm hoặc thậm chí tù chung thân, giống theo luật hiện hành. Tuy nhiên, tội danh mới đã được đưa ra, hành vi quan hệ tình dục bằng cách hứa hôn với phụ nữ sẽ bị coi là phạm tội lần đầu và sẽ phải chịu mức án 10 năm tù. Ngoài ra, dự luật cũng quy định cụ thể về khái niệm “thuận tình”. Tuy nhiên, hành vi hiếp dân trong hôn nhân chưa được công nhận là một tội.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ấn Độ Amit Shah cho biết, Bộ luật Hình sự hiện hành là dấu hiệu của “chế độ nô lệ” vì nó tràn ngập mong muốn củng cố quyền thống trị của đế quốc. “Nền tảng của các thủ tục này là để bảo vệ người Anh chứ không phải người dân thường của Ấn Độ. Chúng rất phức tạp, chỉ để trừng phạt người Ấn Độ trong khi khái niệm của người Ấn Độ là mang lại công lý cho người nghèo và trừng phạt kẻ có tội,” ông nói.
Theo Bộ trưởng Shah, cuộc đại tu sẽ giúp các phiên tòa ngắn hơn và phán quyết nhanh hơn. Hiện tại, hệ thống pháp luật cho phép hoãn vô thời hạn một số vụ án. Các tòa án bị tắc với 47 triệu trường hợp tồn đọng. Có những trường hợp người thân của nạn nhân bị chết trước khi phiên tòa kết thúc, trong khi ở các trường hợp khác, nhân chứng già đi và chết trước khi họ có thể đưa ra lời khai. Những chậm trễ này, cùng với các phương pháp thu thập bằng chứng kém của cảnh sát, dẫn đến tỷ lệ kết án chỉ khoảng 57%. Hậu quả là nhiều người Ấn Độ đã mất niềm tin vào hệ thống luật pháp.
Vì thế, Bộ trưởng Shah cho biết, “mục tiêu là đưa tỷ lệ kết án lên 90%. Mọi người Ấn Độ sẽ nhận được công lý trong tối đa 3 năm”. Ngoài ra, các dự luật đề xuất một số thay đổi để hợp lý hóa quy trình xét xử, bao gồm yêu cầu đưa ra phán quyết trong vòng 30 ngày kể từ ngày xét xử các tranh luận kết thúc; hạn chế số lần hoãn các phiên tòa, theo đó Tòa án chỉ có thể cho phép hoãn hai lần sau khi nghe sự phản đối của bên kia; và bằng chứng pháp y phải được sử dụng trong các tội danh có án tù từ 7 năm trở lên, từ đó thúc đẩy thành lập các phòng thí nghiệm pháp y bổ sung trên toàn quốc…
Hiện các dự luật được chuyển đến một ủy ban của Quốc hội để cân nhắc thêm, nhưng có thể được thông qua trước khi cơ quan lập pháp hiện tại giải tán trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 năm sau.