|
Trong những ngày qua, Trung Quốc đã dành nhiều lời lẽ phê phán rất dữ dội cho Mỹ, nào là Bắc Kinh “kể từ nay đã có tất cả các quyền để đòi hỏi Washington giải quyết vấn đề nợ mang tính chất cấu trúc của họ”, nào là “Dường như đã qua rồi ngày mà chú Sam bị công nợ đầm đìa, nhưng vẫn có thể dễ dàng lãng phí một khối lượng vô tận tiền vay từ nước ngoài”… Có thể nói phản ứng gay gắt của Bắc Kinh tỷ lệ thuận với khối lượng trái phiếu Mỹ khổng lồ mà họ đang nắm trong tay. Tính đến tháng 5 vừa qua, chủ nợ số một của Mỹ đã cầm giữ khoảng 1.160 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ. Khối lượng khổng lồ này đang trở thành một mối lo rất lớn cho cường quốc kinh tế thứ hai thế giới bởi lẽ, nếu giá trị đồng USD sụp đổ, điều đó tất yếu dẫn đến việc dự trữ ngoại hối bằng USD của Trung Quốc bị sụp theo với tỷ lệ tương ứng. Và đối với Bắc Kinh, điều đó có thể làm cho nền kinh tế của họ bị mất ổn định.
Chính vì lý do đó mà Trung Quốc đã muốn lên lớp Mỹ để tình hình diễn biến thuận lợi hơn. Người ta đang đặt ra một câu hỏi liệu những khoản nợ mà Trung Quốc cho Mỹ vay có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ nhiều mặt của hai nước, vượt ra khỏi vấn đề kinh tế, tài chính thuần túy sang cả lĩnh vực ngoại giao và chính trị? Liệu Trung Quốc sẽ sử dụng vũ khí tài chính này để yêu cầu Chính quyền của Tổng thống Barack Obama có những bước nhân nhượng khác trong các vấn đề chính trị, như Tây Tạng hay Đài Loan? Nhưng có vẻ như khả năng hành động của Trung Quốc là rất hạn hẹp và trước mắt, Bắc Kinh không thể giảm sự phụ thuộc của họ vào trái phiếu Mỹ.
Hiện dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc (đạt khoảng 3.197 tỷ USD vào cuối tháng 6) đã lớn nhất thế giới và sẽ còn tiếp tục gia tăng. Khối dự trữ này lớn đến mức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đa dạng hóa đầu tư vào ngoại tệ. Mọi quyết định của Trung Quốc bán ra một khối lượng lớn tài sản trị giá bằng USD đều sẽ gây ra sự chú ý trên thị trường thế giới, có thể khiến giới đầu tư hoảng hốt và tung dự trữ USD ra bán trên quy mô lớn. Hệ quả của điều này là USD sụt giá khiến cho giá trị tài sản của Trung Quốc bị sứt mẻ. Nếu Trung Quốc bán bớt số trái phiếu Mỹ mà họ đang có, điều đó sẽ tác động đến giá trị đồng Nhân dân tệ (NDT). Đồng NDT mà Trung Quốc đang gắn vào đồng USD và duy trì tỷ giá ở mức thấp có thể bị sức ép phải tăng giá, điều mà Bắc Kinh không muốn vì sợ làm ngành xuất khẩu của họ bị thương tổn.
Trong khi đó, dù điểm uy tín của Mỹ bị hạ từ mức AAA xuống AA+, trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn hấp dẫn giới đầu tư. Trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đang đe dọa nhiều nền kinh tế châu Âu, như Italy hoặc Tây Ban Nha, trái phiếu Mỹ vẫn được coi là an toàn hơn. Thực ra, không phải Trung Quốc không thể đầu tư dự trữ ngoại hối của mình ở chỗ khác. Báo chí Trung Quốc cho biết Bắc Kinh cũng đã đầu tư tiền vào thu mua tài nguyên thiên nhiên của nhiều quốc gia khác, nhưng mọi chuyện không suôn sẻ; hay Trung Quốc cũng bỏ tiền đầu tư vào các quỹ đầu tư nước ngoài, nhưng kết quả không được khả quan như họ mong đợi. Vì thế, công trái Mỹ vẫn là lựa chọn tối ưu.
Đó là chưa kể tới một phóng sự ngắn mang tên “Những điều bí mật ẩn chứa đằng sau các khoản nợ” vừa được phát trên kênh truyền hình CNN của Mỹ. Bài phóng sự có nêu câu chuyện về khoản nợ 1,1 nghìn tỷ USD và cho biết khoản nợ này chỉ bằng 8% tổng số nợ của nước Mỹ. Chủ nợ chính chi phối nước Mỹ là người dân Mỹ, các công ty Mỹ chứ không phải Trung Quốc. Bài phóng sự cũng cho thấy nếu Trung Quốc cố tình gây phương hại, bán tháo trái phiếu Mỹ thì người gánh chịu hậu quả cũng chính là nền kinh tế của Trung Quốc, vì hiện nay nền kinh tế của xứ này lệ thuộc vào đồng USD và xuất khẩu vào thị trường Mỹ quá nhiều.
Trung Quốc có thể lớn tiếng nói rằng họ đang nắm giữ gót chân Achilles của chú Sam nhưng sự thực là Trung Quốc không thể rời bỏ trái phiếu Chính phủ Mỹ, thậm chí còn phải tiếp tục mua thêm để qua đó điều tiết giá trị đồng NDT. Thực tế đang diễn ra đúng như vậy.