Xây dựng văn hóa giao thông là giải pháp căn bản, lâu dài

- Thứ Tư, 26/09/2012, 14:39 - Chia sẻ
Tại Hội nghị về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được Ủy ban Quốc phòng và An Ninh tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng văn hóa giao thông là giải pháp cần kíp, cũng là giải pháp căn bản lâu dài và cần thực hiện quyết liệt trong nhiều năm để tạo thói quen, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) cho người dân.

Kết quả có bền vững?

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Năm An toàn giao thông 2012 đã đạt được những thành quả tích cực. 8 tháng qua, trên cả nước đã xảy ra 20.594 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 5.897 người, bị thương 22.082 người. So với cùng kỳ 2011, giảm 8.175 (tương đương 28,4%) số vụ tai nạn, giảm 1.357 người chết (18,7%), giảm 9.467 người bị thương (30,1%). Trong đó, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 54 vụ làm 185 người chết, 141 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2011, đã giảm 20 vụ, giảm 40 người chết và 97 người bị thương. Có 48 tỉnh, thành phố đã giảm trên 10% số người chết do tai nạn giao thông, đặc biệt 6 tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Cần Thơ đã giảm trên 40% số người chết do tai nạn giao thông đường bộ.
 
Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tình hình ùn tắc giao thông đã có nhiều cải thiện tích cực sau khi triển khai đồng bộ một loạt những giải pháp như sử dụng một số cầu vượt nhẹ tại các nút thường xuyên ùn tắc; phân làn, phân tuyến; cấm kinh doanh điểm đỗ, cấm đỗ xe trên một số tuyến phố; thay đổi giờ làm việc, học tập… Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, TP Hà Nội đã giải quyết giảm 46% điểm ùn tắc so với cuối năm 2010 (124 điểm), hiện nay chỉ còn 67 điểm nút thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Trong 8 tháng đầu năm nay, TP Hồ Chí Minh chỉ xảy ra 2 vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút, so với cùng kỳ 2011, đã giảm 22 vụ tương đương với 91,67%.
 
Đánh giá về những kết quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đạt được trong 8 tháng qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, đây là kết quả ban đầu rất quan trọng trong việc thực hiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đã ngăn chặn và giảm được tình trạng mất an toàn giao thông trên 3 tiêu chí, đồng thời cải thiện được một bước tình trạng ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là kết quả bước đầu. Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa lo ngại, kết quả này liệu có bền vững, đồng bộ trong thời gian tiếp theo hay mới chỉ là kết quả phong trào?
 
Thực tế, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ GT - VT, kết quả kiềm chế và giảm tai nạn giao thông đường bộ chưa bền vững. Số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng. Các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng so với cùng kỳ 2011 giảm nhưng tính chất và mức độ nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh những tỉnh có tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông giảm sâu thì vẫn còn một số tỉnh có số người chết vì tai nạn giao thông tăng cao như Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, một số tuyến, nút giao trọng điểm vẫn còn hiện tượng ùn ứ vào buổi chiều do phương tiện tăng cao, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, lấn chiếm vỉa hè kinh doanh buôn bán vẫn xảy ra…
 
Nnăm 2013 sẽ là Năm Văn hóa giao thông

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa, điều quan trọng là từ những kết quả đã đạt được và những tồn tại, hạn chế, rút ra những bài học gì, những kinh nghiệm gì, những giải pháp nào mới để có thể bảo đảm sự chuyển biến này bền vững và được thực hiện một cách đồng bộ trong những năm tiếp theo. Các ý kiến cho rằng, công tác bảo đảm trật tự ATGT phải làm liên tục, kiên trì trong nhiều năm; đồng thời quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, cả trước mắt lẫn lâu dài.
 
Theo Báo cáo của Bộ GT - VT, qua tổng hợp, phân tích các vụ tai nạn giao thông thì nguyên nhân chủ yếu gây TNGT là ý thức kém của người tham gia giao thông, chiếm tới 80% các nguyên nhân. Trong đó, TNGT chủ yếu do người tham gia giao thông đường bộ vi phạm các quy định về bảo đảm ATGT như đi không đúng phần đường, làn đường; điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ quá tốc độ cho phép; lái xe sử dụng rượu bia; học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe vẫn điều khiển xe môtô, xe gắn máy; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ… Từ thực tế này, Bộ trưởng Bộ GT - VT Đinh La Thăng cho rằng, xây dựng văn hóa giao thông là giải pháp cần kíp, cũng là giải pháp căn bản lâu dài và cần thực hiện quyết liệt trong nhiều năm để tạo thói quen, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho người dân.
 
Để góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT là biện pháp quan trọng hàng đầu. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GT - VT cũng như Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các bộ, ban, ngành, địa phương trong 4 tháng còn lại của năm 2012. Trong đó, mở chiến dịch truyền thông tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, văn hóa giao thông như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đặc biệt đối với trẻ em; đi đúng phần đường, làn đường, đúng tốc độ; an toàn tại đường ngang giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ… Bên cạnh các giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức, theo Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cần có chế tài mạnh mẽ, biện pháp cứng rắn hơn với một bộ phận cố tình vi phạm quy định của pháp luật về ATGT. 

Để thực sự tạo bước chuyển căn bản trong công tác bảo đảm trật tự ATGT ở Việt Nam, Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa đề xuất, tiếp tục thực hiện các năm an toàn giao thông và năm 2013 sẽ là Năm Văn hóa giao thông. Điều này thể hiện sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo trong việc làm chuyển biến ý thức tham gia giao thông của người dân, một giải pháp hữu hiệu trong bảo đảm trật tự ATGT hiện nay.

Phạm Liên