Tình trạng trẻ em bị Tai nạn giao thông

Người lớn chưa ý thức bảo vệ trẻ em

- Thứ Sáu, 30/11/2012, 16:26 - Chia sẻ
Trẻ em (đề cập trong phạm vi dưới 15 tuổi - tuổi học cấp trung học cơ sở) thường thụ động, thiếu kinh nghiệm và phản xạ phòng ngừa thích hợp trước các tình huống có khả năng xảy ra TNGT. Vì thế, TNGT xảy ra đối với trẻ em khá đa dạng, mà trong nhiều trường hợp bắt nguồn từ chính sự chủ quan của bậc cha, mẹ, người lai, chở trẻ. Trong khi đó, nhiều người lớn khi tham gia giao thông thiếu ý thức tự giác ưu tiên phương tiện có trẻ em.

Tai họa từ sự bất cẩn

Đến nay, ngành chức năng chưa có dữ liệu về TNGT liên quan đến trẻ em, song ghi nhận tại một số bệnh viện và thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, tình trạng trẻ em bị TNGT vẫn ở mức báo động. Mới đây, khảo sát tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), trong vòng một tuần, chúng tôi chứng kiến gần chục vụ trẻ em bị thương tích nặng do TNGT được chuyển từ các bệnh viện tuyến dưới lên. Có thể kể đến trường hợp em Tô Đình Tú - học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Lợi, TX Chí Linh, tỉnh Hải Dương, khi băng qua con đường liên thôn xã Lê Lợi để về nhà, bị chiếc xe tải chở vật liệu chạy qua, đụng vào và chèn qua vùng bụng...; em Bùi Thị Chúc (10 tuổi, huyện Xuân Trường, Nam Định), đi xe đạp bị ôtô đâm, gây vỡ lách, gãy xương đòn trái, chấn thương sọ não...

Bác sỹ Đỗ Ngọc Linh - Phó trưởng Khoa phẫu thuật, tạo hình - hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức cho biết, năm nay nhiều ca mổ điều trị thương tích cho trẻ em bị TNGT so với năm trước, và rất nhiều trường hợp trẻ em nhập viên trong tình trạng đa chấn thương. Có hàng chục trường hợp phải điều trị hàng tháng, thậm chí hàng năm vẫn chưa thể xuất viện. Theo số liệu chưa đầy đủ của Bệnh viện Việt Đức, 9 tháng năm 2012, bệnh viện tiếp nhận 752 trường hợp trẻ em trong độ tuổi  dưới 15 từ Hà Nội và một số tỉnh phía bắc đến cấp cứu do TNGT. Loại phương tiện gây TNGT gồm: 101 trường hợp ôtô, 545 xe máy, 102 tự gây tai nạn. Hầu như tháng nào bệnh viện cũng tiếp nhận hơn chục trường hợp trẻ em bị TNGT trong tình trạng không đội MBH, MBH không rõ nguồn gốc (đồng nghĩa với việc không đảm bảo chất lượng), đội MBH không cài quai...

Phân loại TNGT liên quan đến trẻ em thấy nổi lên 2 dạng cần được quan tâm là: phương tiện khác gây TNGT với phương tiện đang chở trẻ em (hoặc trẻ điều khiển) và trẻ em bị người lai, chở gây TNGT. Ở dạng thứ 2, đáng nói nhất là người gây họa cho trẻ chính là người thân của trẻ, xuất phát từ sự chủ quan, bất cẩn. Trường hợp đau lòng là con trai chị Nguyễn Thu M., nhân viên kế toán của Công ty cổ phần Dược phẩm Mekophar (chi nhánh Hà Nội). Cách đây vài tháng, chồng chị đi xe máy chở hai con trai (một cháu 10 tuổi, một cháu 4 tuổi) đi học, đến đoạn đường Tam Trinh (Hà Nội), anh đi nhanh nên khi lách xe để tránh một chiếc xe cùng chiều thì con trai lớn hơn bị rơi xuống đường, đúng lúc một chiếc xe ôtô cán qua người, làm cháu tử vong. Hoặc ngày 22.9 vừa qua, trên tỉnh lộ 17 thuộc địa phận xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, một trẻ nhỏ được bà nội chở bằng xe đạp, lúc xe đi vào chỗ xóc, cháu bé ngã xuống đường và bị một chiếc xe tải cán qua gây tử vong. Tương tự, cuối năm 2011, chị Nguyễn Thị V., trú tại phường Lê Lợi, TX Chí Linh, Hải Dương, trong lúc điều khiển xe đạp điện chở con trai 3 tuổi đi trên QL37, bất cẩn làm con bị ngã xuống đường và bị một chiếc xe ngược chiều cán qua, làm thiệt mạng tại chỗ...

Tuyên truyền về trách nhiệm bảo vệ trẻ em

Ông Nguyễn Trọng An - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng ghi nhận thực tế trên, và cho biết thêm, trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ bị TNGT, đây là nguyên nhân gây cho trẻ bị tàn tật và tử vong nhiều nhất (sau đuối nước). Đa số các trường hợp tai nạn xuất phát từ việc không chấp hành pháp luật ATGT của người lớn, từ phương tiện giao thông khác hoặc sự bất cẩn của chính người cho lai, chở trẻ em. Thượng tá Trần Sơn - Phó trưởng Phòng hướng dẫn và tuyên truyền luật, Cục CSGT đường bộ- đường sắt cho biết, ở nước ta chưa có dữ liệu đầy đủ về TNGT trẻ em, nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ trẻ em bị TNGT vẫn ở mức cao và nghiêm trọng. Trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT liên quan đến trẻ em là do người lớn điều khiển xe ôtô, xe máy, xe thô sơ không chấp hành đúng các quy định về ATGT. Trong khi đó, công tác xử phạt của lực lượng CSGT đối với người tham gia giao thông có hành vi gây nguy hiểm cho trẻ em (mà điển hình là xử phạt quy định về đội MBH cho trẻ) đang gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả.

Thực tế khác là công tác tuyên truyền ATGT ở hầu hết các địa phương chưa có những chiến dịch tuyên truyền về chủ đề trách nhiệm, nghĩa vụ của người lớn trong việc bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ TNGT. Theo Luật sư Trần Xuân Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Thiên Văn, Hải Phòng, người phạm tội gây TNGT cho em (dù cố ý hay vô ý) đều được coi là tình tiết tăng nặng. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền ATGT, ngành chức năng cũng cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng quy định này để người tham gia giao thông nâng ý thức tự giác, ưu tiên giao thông cho trẻ em, cũng như nhận thức được tính chất hậu quả phải nhận nếu gây TNGT cho trẻ em, từ đó góp phần giảm thiểu các hành vi có khả năng cao gây TNGT cho trẻ em. Mặt khác, cũng cần có những chiến dịch tuyên truyền để tạo cho người lớn ý thức thường trực bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ TNGT; thậm chí có thể quy định mức xử phạt cao đối với hành vi gây mất ATGT cho trẻ.

Hồng Thanh