Nâng cao ý thức đội mũ bảo hiểm cho trẻ em

- Thứ Hai, 14/03/2011, 07:40 - Chia sẻ
Nghị định 34 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã quy định mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện môtô, xe gắn máy chở trẻ trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm đã có hiệu lực thi hành từ ngày 20.5.2010. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp người tham gia giao thông không tuân thủ nghiêm quy định này.

Theo thống kê của ngành Y tế, trung bình mỗi năm có hơn 1.900 trường hợp trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm 24 - 26% tổng số trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi bị chấn thương sọ não chiếm 13,4%, gần 1/2 trong số này do không đội mũ bảo hiểm. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ tử vong do tai nạn thương tích  do không đội mũ bảo hiểm ngày một tăng. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có khoảng 1.200 người tử vong, 20.000 người bị thương do tai nạn giao thông, trong đó nạn nhân là trẻ em chiếm đến 35%. Số trẻ tử vong do TNGT chỉ đứng sau nguyên nhân bị đuối nước. Hiện, theo thống kê của Bộ GTVT, khoảng 80% học sinh từ mẫu giáo trở lên ở các thành phố được đưa, đón đi học bằng xe máy, việc đội mũ bảo hiểm được xem là cách hiệu quả nhất để phòng chấn thương sọ não và tử vong khi xảy ra tai nạn. Để hạn chế những hậu quả nghiêm trọng do tai nạn giao thông gây ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34 thay thế Nghị định 146 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, (có hiệu lực thi hành từ ngày 20.5.2010), bổ sung chế tài xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi người điều khiển phương tiện môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm cho trẻ trên 6 tuổi. Đây là một trong những biện pháp được đưa ra kịp thời nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ tính mạng và phòng ngừa những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra cho trẻ em.

Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực thi hành, chính quyền, lực lượng chức năng và các đơn vị liên quan đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện. Thực tế, vẫn còn nhiều bậc phụ huynh chưa ý thức được vai trò quan trọng của mũ bảo hiểm nên thực hiện chưa nghiêm túc. Đến một số trường tiểu học, THCS vào buổi sáng hoặc giờ tan trường, thường xuyên chứng kiến phụ huynh đưa đón con em đến trường không trang bị mũ bảo hiểm cho trẻ. Một số trường hợp mang theo mũ bảo hiểm, nhưng chỉ để đối phó với sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Thực tế cho thấy, khi xảy ra tai nạn giao thông trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng lại chưa được người lớn bảo vệ đúng mức. Bên cạnh một số ít người còn chưa biết đến quy định pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho trẻ, nguyên nhân chính vẫn do nhận thức và ý thức của nhiều phụ huynh còn hạn chế, không đặt sự an toàn của con trẻ lên hàng đầu, còn viện đủ mọi lý do để biện hộ cho hành vi vi phạm của mình, như: nhà gần, trẻ còn nhỏ đội mũ bảo hiểm bị mỏi cổ, hoặc không tin tưởng vào chất lượng mũ bảo hiểm dành cho trẻ… Một số trường hợp cha mẹ lo lắng trẻ sẽ bị thương ở vùng cổ do đội mũ bảo hiểm (?). Điều mà một số cha mẹ trẻ lo lắng không có cơ sở khoa học để khẳng định, còn tác dụng của mũ bảo hiểm đã được kiểm chứng trong thực tế: trẻ sẽ được bảo vệ khỏi thương tích phần đầu, nếu không may xảy ra va chạm, tai nạn. Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định, nguy cơ tử vong giảm tới 42%, nguy cơ chấn thương vùng đầu giảm tới 69% nhờ sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Các nghiên cứu này đều cho thấy, mũ bảo hiểm là liều văcxin hữu hiệu bảo vệ, phòng tránh các chấn thương trong các vụ tai nạn cho người tham gia giao thông. 

Việc đội mũ bảo hiểm cũng tạo cho trẻ ý thức biết tuân thủ luật giao thông ngay từ nhỏ. Muốn làm được điều này, vấn đề tiên quyết là các bậc cha mẹ phải luôn làm gương cho trẻ trong việc nâng cao ý thức tự giác, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về an toàn giao thông. Bên cạnh đó, cần kiên trì thực hiện các hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông cho người dân, đặc biệt là đối tượng học sinh trong nhà trường để các em ý thức được sự cần thiết và tự giác đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Để nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người dân, lực lượng cảnh sát giao thông cần xử lý nhiêm các hành vi vi phạm. Mặt khác, cũng cần chú trọng kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm trên thị trường, xử phạt nghiêm những cơ sở kinh doanh, sản xuất mũ bảo hiểm không đạt chất lượng và nêu tên trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người dân biết, góp phần nâng cao hiệu quả đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Hải Thanh