Hãy nhìn nhận với tinh thần cầu thị

- Thứ Ba, 28/10/2014, 10:27 - Chia sẻ
Việc trang mạng The Guide to Sleeping in Airports xếp sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất của nước ta vào danh sách 10 sân bay tệ nhất châu Á năm 2014 vừa qua đã gây ra những phản ứng trái chiều của chính các cơ quan chức năng. Đây là vấn đề được một số báo phản ánh. Nhưng có lẽ vấn đề sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu được nhìn nhận với tinh thần cầu thị…

Theo đó, danh sách của The Guide to Sleeping in Airports thì sân bay quốc tế Nội Bài xếp thứ 5 và sân bay Tân Sơn Nhất xếp thứ 8 trong số 10 sân bay châu Á tệ nhất. Thứ tự xếp hạng này dựa trên các tiêu chí như vệ sinh kém, thủ tục giải quyết chậm, thái độ phục vụ của nhân viên hải quan và việc bố trí điều hòa không khí với những nước vùng nhiệt đới…

Ngay sau khi có thông tin này, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng đây là đánh giá chủ quan và đánh giá này chưa phản ánh đầy đủ về hoạt động thực tế của 2 sân bay này. Thế nhưng cũng chính đại diện Cục thừa nhận: sân bay ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, cần khắc phục, đặc biệt khi so sánh với một số sân bay ở một số nước. Và rằng những hạn chế này không đến mức tồi tệ như đánh giá của The Guide to Sleeping in Airports.

Phản ánh của The Guide to Sleeping in Airports là do hành khách bình chọn đánh giá, là kênh thông tin tham khảo. Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng cho rằng việc Cục phản bác ngay là chưa cầu thị. Lẽ ra khi bị xếp loại như vậy, Cục phải xem lại thực trạng ở các sân bay ra sao trước khi phản bác (TheoVnExpress,VoV)... Bộ cũng đã chỉ đạo Cục Hàng không đi kiểm tra, trước mắt là tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Việc đánh giá chất lượng phục vụ chính là hành khách - những người trực tiếp sử dụng các dịch vụ đó. Đây là một kênh thông tin rất quan trọng trong hoạt động quản lý. Cơ quan quản lý cũng có thể chủ động thực hiện trong các phạm vi khác nhau để so sánh, rút kinh nghiệm làm tốt hơn. Đánh giá của các cơ quan chức năng về chất lượng phục vụ không chỉ giới hạn và đơn thuần là các thủ tục hành chính. Nếu trên cùng một vấn đề mà hai đánh giá này trái chiều nhau: cơ quan chức năng nói tốt - người trực tiếp sử dụng dịch vụ nói không thì chắc chắn là điều đáng phải suy nghĩ. Và nếu những đánh giá của hành khách là khách quan thì cơ quan chức năng phải thực sự có tinh thần cầu thị.
 
Có thể đơn giản hơn, không chỉ là với Cục Hàng không mà các cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động dịch vụ công nên xem những thông tin phản hồi từ khách hàng là một trong những kênh thông tin để từ đó có giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ.

Minh Vân