Quốc hội Việt Nam và IPU - 45 năm nhìn lại

Quốc hội Việt Nam gia nhập IPU thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế

- Chủ Nhật, 21/04/2024, 07:53 - Chia sẻ

Lời tòa soạn: Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Quốc hội Việt Nam gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) (21.4.1979 - 21.4.2024), Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài viết, trong đó có bài của tác giả Phạm Quốc Bảo - Nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Quốc hội, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam tại CH Bulgaria và CH Macedonia - về quá trình hội nhập quốc tế của Quốc hội Việt Nam.

Phạm Quốc Bảo - Nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội

Tư tưởng ngoại giao của Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế là một định hướng hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng Việt Nam. Đây là cơ sở, nền tảng và là kim chỉ nam soi sáng đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì hòa bình trong các hoạt động đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta trong các giai đoạn cách mạng. Tư tưởng này được thể hiện sâu sắc qua sự chủ động và tích cực của Quốc hội Việt Nam trong quá trình gia nhập và đóng góp cho Liên minh Nghị viện thế giới (IPU).

Sau khi Hiệp định Genène được ký kết ngày 20.7.1954, hòa bình được lập lại trên bán đảo Đông Dương, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong giai đoạn này là tranh thủ các diễn đàn quốc tế để đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam với các nước. Ngay từ những năm đầu mới giải phóng (1954), Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có chủ trương gia nhập Liên minh Nghị viện thế giới (IPU).

Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội  Phan Anh (người thứ hai từ phải sang) làm Trưởng đoàn tại Hội nghị IPU-69. Roma, Italy, tháng 9.1982
Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Phan Anh (người thứ hai từ phải sang) làm Trưởng đoàn tại Hội nghị IPU-69. Roma, Italy, tháng 9.1982

Ra đời vào năm 1889, IPU hướng tới mục tiêu ban đầu là giải quyết các cuộc xung đột thông qua trọng tài. Qua quá trình hình thành và phát triển, IPU đã trở thành một tổ chức quốc tế của các nghị viện quốc gia có chủ quyền, là trung tâm đối thoại và là diễn đàn ngoại giao nghị viện toàn cầu để các nhà lập pháp bày tỏ quan điểm và chính kiến của mình về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, góp phần gìn giữ hòa bình và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, nhằm thiết lập các thể chế dân chủ đại diện bền vững.

Chủ động gia nhập từ sớm

Ngày 25.5.1959, tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa I tại Hà Nội, Ban Thường trực Quốc hội (nay là Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã quyết định đưa vấn đề gia nhập IPU để báo cáo xin ý kiến Quốc hội. Báo cáo về vấn đề Quốc hội Việt Nam gia nhập IPU, ông Trần Đình Tri, Thư ký kỳ họp cho rằng:“Điều kiện khách quan biến chuyển có lợi cho ta. Còn về chính sách đối ngoại của ta lúc này là cần ra sức tranh thủ tham gia nhiều diễn đàn và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và các các tổ chức tiến bộ khác đ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”. Vì vậy, Ban Thường trực Quốc hội thấy cần nêu vấn đề này ra để Quốc hội xem xét, nếu cân nhắc có lợi thì ta gia nhập IPU”.

Sau khi nghe ông Trần Đình Tri báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra ý kiến để Quốc hội bàn bạc dân chủ. Sau khi thảo luận, Quốc hội nhất trí:Quốc hội ta nên gia nhập IPU đ tỏ cho thế giới thấy thiện chí của ta với mọi hoạt động quốc tế có tính chất đoàn kết nhân dân các nước, đẩy mạnh sự hợp tác hòa bình cũng là một dịp đ nêu cao ý nghĩa Quốc hội ta là đại diện chân chính của nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam.

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ban Thường trực Quốc hội đã tiến hành các thủ tục cần thiết gửi Chủ tịch IPU Giuseppe Codacci-Pisanelli và Tổng Thư ký André de Blonay để gia nhập IPU. Nhưng lúc bấy giờ, trên thực tế tổ chức IPU bị các thế lực thù địch thao túng nên đã trì hoãn xem xét việc xin gia nhập của Quốc hội Việt Nam, lấy lý do là để tìm hiểu thêm. Sau này, do hoàn cảnh chiến tranh, Quốc hội ta không đặt vấn đề gia nhập IPU nữa.

Thời điểm chín muồi

Ngày 30.4.1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất. Ngày 2.7.1976, Quốc hội thống nhất họp phiên đầu tiên tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Vào thời gian đó, Tổng Thư ký IPU Pio Carlo Terenzio gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, bày tỏ mong muốn Quốc hội Việt Nam sẽ đến nhận ghế của mình tại IPU.

Ngày 20.9.1977, Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc. Vào thời gian này, trước những biến chuyển mới của tình hình trong nước và quốc tế, Ủy ban Đối ngoại nhận định: Tương quan lực lượng trên thế giới có lợi cho lực lượng hòa bình và dân chủ. Vào IPU ta có dịp tranh thủ thêm sự đồng tình ủng hộ quốc tế đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta trước những âm mưu, thủ đoạn bành trướng, thôn tính của các lực lượng phản động quốc tế”.

Như vậy, đến thời điểm này, điều kiện khách quan và chủ quan đã thuận lợi cho việc gia nhập IPU của Quốc hội nước ta. Ngày 30.10.1978, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp (tại 35 Ngô Quyền, Hà Nội) dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh để nghe báo cáo về việc Quốc hội nước ta gia nhập IPU. Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí tán thành đ nghị của Ủy ban Đối ngoại về việc Quốc hội ta nên gia nhập IPU.

Thấm nhuần tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế, tháng 12.1978, tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa VI, tại phiên họp toàn thể tại Hội trường Ba Đình, sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Đối ngoại, Quốc hội đã thảo luận và nhất trí tán thành gia nhập IPU.

Ngày 15.2.1979, Chủ tịch Ban chấp hành Đoàn Việt Nam trong IPU Xuân Thủy đã gửi thư cho Tổng Thư ký IPU Pio Carlo Terenzio, bày tỏ nguyện vọng gia nhập IPU của Quốc hội Việt Nam.

Tại kỳ họp lần thứ 124 Hội đồng IPU ở thủ đô Praha, Tiệp Khắc từ ngày 16 đến 21.4.1979, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta (gồm 3 người) do GS. Hoàng Minh Giám, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó Chủ tịch BCH Đoàn Việt Nam trong IPU làm Trưởng đoàn đã được đại biểu của 76 nghị viện các nước thành viên IPU vỗ tay nhiệt liệt chào mừng khi Đoàn ta bước vào hội trường, tiến đến chỗ ngồi dành cho Đoàn Việt Nam.

Ngày 21.4.1979, sau lời chào mừng của Chủ tọa cuộc họp Hội đồng IPU S. Mokaddem, Chủ tịch Quốc hội Tunisia, Hội đồng IPU đã xem xét báo cáo của Ban chấp hành và nhất trí thông qua Nghị quyết chấp nhận Quốc hội CHXHCN Việt Nam là thành viên IPU.

Sau lời phát biểu chào mừng của ông S. Mokaddem, GS. Hoàng Minh Giám, đã phát biểu cảm ơn sự ủng hộ của đại diện Nghị viện các nước và bày tỏ hài lòng trước việc Việt Nam được chấp nhận là thành viên IPU. Đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ cùng với các thành viên IPU tích cực hoạt động vì hòa bình, hợp tác quốc tế và xây dựng một thế giới tự do và bình đẳng.

Nhìn lại chặng đường 65 năm (1959 - 2024) kể từ lần đầu tiên Quốc hội thông qua nghị quyết gia nhập IPU đến nay và 45 năm trở thành thành viên chính thức (1979 - 2024), Quốc hội nước ta luôn nêu cao tinh thần tích cực, chủ động và có trách nhiệm tham gia và đóng góp hiệu quả trên diễn đàn liên nghị viện toàn cầu này.  

#