Cắt giảm quy mô
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei vào đầu tháng 8, Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính của Myanmar Soe Win cho biết Chính phủ nước này đã quyết định cắt giảm quy mô dự án xây dựng một hải cảng ở miền Tây nước này bằng nguồn vốn vay Trung Quốc, sau khi xuất hiện lo ngại dự án góp phần khiến quốc gia Đông Nam Á này phải gánh thêm nhiều nợ nần.
Nguồn vốn đầu tư ban đầu dành cho cảng nước sâu Kyauk Pyu, tỉnh phía Tây của bang Rakhine, dự kiến là 7,3 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này cùng báo cáo về các dự án do Trung Quốc hỗ trợ gặp rắc rối ở Sri Lanka và Pakistan đã gióng lên hồi chuông báo động đối với Chính phủ Myanmar.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Tài chính Myanmar Set Aung, người được chỉ định dẫn đầu các cuộc đàm phán liên quan tới dự án tuyên bố “quy mô dự án đã được thu nhỏ lại đáng kể”. Kinh phí đầu tư dự án điều chỉnh sẽ giảm xuống chỉ còn “khoảng 1,3 tỷ USD, một khoản tiền hợp lý hơn nhiều đối với quá trình sử dụng”, Sean Turnell, Cố vấn kinh tế của Chính phủ Myanmar, giải thích.
Với Trung Quốc, cảng Kyauk Pyu là một phần quan trọng trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” đầy tham vọng. Đây sẽ là con đường ngắn nhất để vận chuyển dầu từ Ấn Độ Dương tới Trung Quốc, tránh các trạm kiểm soát chiến lược trên Eo biển Malacca.
Ngay trước đó là sự kiện Malaysia tạm dừng các dự án trị giá 22 tỷ USD của Trung Quốc, bao gồm cả hệ thống đường sắt gây tranh cãi dọc bờ biển phía Đông của đất nước. Đây dường như là một quyết định không thể thiếu sau cuộc bầu cử tháng 5 vừa rồi. Một trong những nội dung chủ chốt trong chiến dịch tranh cử thành công để hạ gục ông Najib Razak của Thủ tướng Mahathir Mohamad là cáo buộc mối quan hệ thân cận giữa ông Najib và Trung Quốc đã kéo theo tình trạng tham nhũng và những quyết định tồi tệ.
Trong khi đó, ở Sri Lanka, sự dễ dãi với tài chính Trung Quốc đã đem đến cho quốc gia này một khoản nợ khổng lồ. Tiền thuế quốc gia chỉ đủ để trả tiền lãi, khoảng 11 tỷ USD mỗi năm, cho khoản nợ này. Do đó, chính phủ mới tại Sri Lanka buộc phải trao quyền kiểm soát cảng Hambantota cho Trung Quốc.
Trong khi Bắc Kinh tuyên bố “Vành đai, Con đường” có lợi cho Trung Quốc và tất cả các đối tác, thì không ít đối tác bắt đầu đặt câu hỏi phải chăng nước họ đang phải gánh những khoản nợ quá mức để thực hiện các dự án.
![]() Dự án cảng Kyauk Pyu |
Bài học từ Sri Lanka
Vào thời điểm Bắc Kinh ký được hợp đồng thuê cảng biển Hambantota - một trong những điều kiện để Trung Quốc giảm khoản nợ khổng lồ của Sri Lanka, người ta bắt đầu nhắc đến quốc gia này với một khái niệm mới: Ngoại giao bẫy nợ. Trung Quốc hiện cũng trên đường hoàn tất việc thâu tóm các cảng biển chiến lược ở Piraeus (Hy Lạp), Darwin (Australia) và Doraleh (Djibouti).
Bắc Kinh cũng đã đẩy mạnh các cơ hội chiến lược ở Myanmar, bao gồm tiếp cận các ưu đãi đối với cảng Kyauk Pyu, là điểm khởi đầu đặt đường ống dài 770km vận chuyển dầu và khí đốt cho tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Điều này mang lại cho Trung Quốc một lộ trình thay thế cho tuyến đường nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông, tránh được các rủi ro tiềm tàng khi đưa dầu đi qua Eo biển Malacca. Theo kế hoạch ban đầu, chi phí để xây dựng cảng, và một đặc khu kinh tế đi kèm, lên đến 10 tỷ USD, dự kiến khởi công năm 2018. Một khu công nghiệp trị giá 4,2 tỷ USD cũng đã được lên kế hoạch thu hút các nhà sản xuất ngành lọc dầu và dệt.
Tuy nhiên, đánh giá từ bài học của Sri Lanka, giới chức Myanmar bắt đầu lo ngại việc ký hợp đồng với Trung Quốc cho thuê một cảng chiến lược để thanh toán các khoản vay. Thứ trưởng Tài chính Set Aung cho biết thêm thời gian triển khai dự án có thể lui vài tháng vì Myanmar đang tìm thuê một công ty tư vấn quốc tế để xem xét chi phí đầu tư. “Hiện tại, ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo không có gánh nặng nợ nần đối với Chính phủ Myanmar”.
Tại Pakistan, Hành lang Kinh tế Trung Quốc -Pakistan vốn đã được thành lập nhằm chống lại sự phụ thuộc vào phương Tây. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách tại đây cũng đang suy nghĩ lại. Nhập khẩu máy móc đắt tiền từ Trung Quốc sẽ khiến thâm hụt tài khoản vãng lai tăng vọt. Dự trữ của Ngân hàng Trung ương Pakistan chỉ đủ để nhập khẩu máy móc trong vài tháng, chưa kể tới khoản vay Trung Quốc gần 4 tỷ USD vào năm ngoái.
Khi “Một vành đai, một con đường” được công bố lần đầu tiên, sáng kiến này giống như một món quà từ thiên đường đối với nhiều chính phủ đang mong muốn có được nguồn vốn dồi dào cho các dự án sở hạ tầng. Nhưng trên thực tế, các khoản đầu tư của Trung Quốc đi kèm những điều kiện nguy hiểm: Lãi suất cao hơn, đảm bảo nhập khẩu từ các công ty Trung Quốc và nhập khẩu nhân công.