![]() Thủ tướng lâm thời Libya Abdel Rahim al-Kib (trái) và Phó chủ tịch NTC Libya Abdel Hafiz Ghoga thông báo về Chính phủ mới |
Nguồn: AP |
Trái với nhiều đồn đoán trước đó, trong nội các thiếu vắng một số cái tên đình đám trong Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC). Thay vào đó là những khuôn mặt khá mới mẻ. Song, điều này cũng không khiến các nhà phân tích ngạc nhiên.
Trong nội các mới, tân Ngoại trưởng Bin Hayal có lẽ là trường hợp bất ngờ nhất. Trước đó, dư luận cho rằng Phó đại sứ Libya tại Liên Hiệp Quốc Ibrahim Dabbashi là ứng cử viên sáng giá. Điểm nổi bật trong hồ sơ của Haya: ông một quan chức ngoại giao đến từ Derna, một thành trì chống lại Gaddafi trong cuộc nổi dậy hồi thập niên 1990 của thế kỷ trước và đã tích cực tham gia vào sự kiện lật đổ chế độ Gaddafi vừa qua.
Lựa chọn thứ hai gây bất ngờ là Osama Al-Juwali, Tư lệnh quân đội vùng Zintan, được cử giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Tương tự, Zintan là một trong những địa phương có vai trò lớn trong những chính biến vừa qua. Đây được coi là gáo nước lạnh đối với Abdel Hakim Belhadj, cựu chiến binh Hồi giáo và hiện là chỉ huy quân đội của NTC. Chiếc ghế lớn tại Bộ Nội vụ được trao cho Fawzi Abdel A’al, một chính khách đến từ Misrata- một trong những căn cứ của lực lượng chống đối chế độ Gaddafi.
Lời giải ở đây là những căng thẳng ngấm ngầm trong ban lãnh đạo mới của Libya sau khi thành công trong mục tiêu hạ bệ 42 năm cầm quyền của ông Gaddafi. Trong “thời bình”, vấn đề nổi cộm lúc này là phân chia quyền lực. Khi miếng bánh lợi ích được bảo đảm, các phe phái mới có thể nghĩ tới đường hướng phát triển đất nước. Song, nội các trong giai đoạn quá độ không phải là chiến trường lớn của các phe phái tại Libya. Nói vậy sở dĩ nhiệm vụ của Chính phủ Libya là chuẩn bị cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến trong vòng 8 tháng, rồi tổng tuyển cử chậm nhất là một năm sau đó, và thành lập quân đội. NTC sẽ được giải thể sau khi Quốc hội mới được bầu ra và cơ quan lập pháp này sẽ điều hành đất nước cho đến khi tổng tuyển cử được tổ chức. Tiếp đến là xây dựng một đất nước tôn trọng nhân quyền, giải thể các đội dân quân vũ trang, vực dậy nền kinh tế và tái thiết đất nước.
Trong bối cảnh đó, là kỹ sư, giảng viên đại học và doanh nhân, Thủ tướng Abdel Rahim al-Keeb đã tìm ra một giải pháp khôn ngoan, đó là lựa chọn các nhân vật mới trên chính trường, đại diện cho các đảng phái vào nội các để tránh các mâu thuẫn tiềm tàng. Phát biểu trong cuộc họp báo khi công bố nội các mới, ông khẳng định chính phủ mới đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân Libya.
Giới phân tích nhận định Thủ tướng Keeb là con người thuộc phái trung dung, không nghiêng về cánh tự do cũng không phải là người của trào lưu Hồi giáo chính trị, một người được kính trọng và có kinh nghiệm giúp khởi động tiến trình tái thiết đất nước. Như vậy ông có nhiều khả năng xoay xở hơn để thực hiện chương trình nhằm giải giáp vũ khí ở trong nước và tái khởi động nền kinh tế gần như ngưng trệ. Ông biết cách để quy tụ các nhà lãnh đạo mới cho một mục tiêu chung. Trước mắt, Libya cần một sự cân bằng quyền lực giữa các phe phái, thể hiện trong phân chia các ghế nội các để chuẩn bị cho một tiến trình quan trọng hơn, cho giai đoạn mang tính quyết định - đó là tổng tuyển cử và soạn thảo hiến pháp mới. Đây mới thực sự là mấu chốt của vấn đề và thành lập nội các chỉ là bước đệm. Rõ ràng, cuộc chiến quyền lực giữa các phe phái tại Libya mới chỉ bắt đầu manh nha và chính phủ lâm thời chưa phải là chiến trường thực sự.