Sổ tay:

Đề xuất nhiều chế tài đối với hành vi bỏ cọc đấu giá đất

- Thứ Bảy, 02/04/2022, 05:53 - Chia sẻ

Quy định cụ thể các điều kiện khi cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá đất; đồng thời xác định chế tài khi vi phạm quy định liên quan đến đấu giá đất là những đề xuất nhận được nhiều sự quan tâm tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Theo đó, Dự thảo quy định 5 điều kiện đối với tổ chức tham gia đấu giá đất và 2 điều kiện đối với cá nhân tham gia đấu giá đất. Cụ thể, khi tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ 5 điều kiện, bao gồm: thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55, Điều 56, Luật Đất đai; Có vốn thuộc sở hữu để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha, hoặc không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên; có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất; Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác; Phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm cho tổ chức đấu giá để bảo đảm năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá theo phương án được phê duyệt.

Còn đối với cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ điều kiện thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56, Luật Đất đai; Phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm cho tổ chức đấu giá để bảo đảm năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá theo phương án được phê duyệt.

Ngoài các điều kiện nêu trên, Dự thảo cũng quy định rõ khoản tiền đặt trước trên cơ sở hai bên thỏa thuận, song tối thiểu là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, bỏ khoản tiền đặt trước (bỏ cọc), từ chối tham gia đấu giá thì sẽ phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước - tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá. Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ số tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì trong thời gian 5 năm không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Như vậy, dù là cá nhân hay tổ chức khi tham gia đấu giá đất đều phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm. Và tùy từng giai đoạn bỏ cọc để xác định rõ trách nhiệm pháp lý - thực chất là bồi hoàn tài chính khi tự ý bỏ, từ chối tham gia đấu giá hoặc bỏ cọc. Đây là đề xuất nhận được nhiều sự đồng tình của các chuyên gia trước thực trạng “thông thầu”, “quân xanh, quân đỏ”, “thổi phồng giá đất”, "bỏ thầu, bỏ cọc"… trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua.

Có thể thấy, về mặt lý thuyết các đề xuất trên đều đã rõ trách nhiệm của các bên trong quá trình tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, gắn liền với quyền là nghĩa vụ phải thực hiện. Và các nghĩa vụ tài chính chỉ được bảo đảm thực hiện đúng, đủ khi tổ chức đấu giá và cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải thực hiện đúng các quy định liên quan đến khoản tiền đặt trước và tài sản bảo đảm. Điều này lại liên quan đến trách nhiệm của tổ chức đấu giá khi xác định giá trị thực của tài sản bảo đảm. Một lần nữa, vai trò quản lý của các bộ, ngành chuyên môn được nhắc đến, như một giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tình trạng lũng đoạn, tham nhũng thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Nguyễn Minh