Hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử

Bài 1:  Chưa theo kịp sự phát triển

- Thứ Ba, 05/07/2022, 06:21 - Chia sẻ

Năm 2005, sự ra đời cùng lúc của 3 đạo luật là Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại và Luật Giao dịch điện tử đã đặt nền tảng pháp lý cơ bản cho hoạt động thương mại điện tử cũng như sự hình thành hệ thống pháp luật về lĩnh vực này. So với thực tế phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và sự đa dạng của hoạt động thương mại sau gần 20 năm, rõ ràng pháp luật về thương mại điện tử chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Chưa đặc thù, thiếu hệ thống

Theo Báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam hiện đạt khoảng 12 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng trên cả nước. Hơn 70% dân số tiếp cận với mạng internet, trong đó 53% người dân sử dụng ví điện tử và thanh toán mua hàng qua mạng.

Hệ thống pháp luật về thương mại điện tử ở nước ta hiện nay được cấu thành bởi các luật làm nền tảng cho các giao dịch thương mại nói chung (Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Trọng tài, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật hòa giải và đối thoại tại Tòa án); các luật quy định về giao dịch điện tử nói chung, giao dịch thương mại điện tử nói riêng (Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng)... Văn bản trực tiếp nhất là Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP. Với 80 điều, Nghị định 52/2013/NĐ-CP được coi là hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho các giao dịch thương mại điện tử.

Theo các chuyên gia pháp lý, nhìn vào các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp và gián tiếp hoạt động thương mại điện tử có thể thấy, pháp luật về thương mại điện tử có số lượng khá đồ sộ các quy phạm. Tuy nhiên các quy định về lĩnh vực này lại mang tính phân tán, thiếu tính hệ thống, đồng bộ, gây khó khăn cho việc tiếp cận, nhất là đối với những người buôn bán nhỏ hoặc những người tiêu dùng thuần túy.

Đáng lưu ý, các quy định về thương mại điện tử tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và hoạt động thương mại tại Luật Thương mại 2005 còn có những điểm vênh nhau về nhận diện hoạt động môi giới thương mại điện tử, quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài, quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam, nghĩa vụ đặc trưng của các bên trong quan hệ pháp luật thương mại điện tử… Với phương tiện và cách thức thực hiện mang tính đặc trưng, nội dung của quan hệ pháp luật về thương mại điện tử cần có những quy định mang tính đặc thù, khác với hoạt động thương mại truyền thống.

TS. Phan Thị Thanh Thủy, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, các quy định về thương mại điện tử còn thiếu tính cập nhật, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Đơn cử, các mô hình giao dịch thương mại điện tử, nhất là mô hình B2C (Business to Customer - doanh nghiệp với khách hàng) luôn đi đôi với giải quyết tranh chấp trực tuyến. Vậy nhưng,  hiện Việt Nam chưa có quy định về giải quyết trực tuyến đối với các tranh chấp phát sinh từ giao dịch thương mại điện tử hay bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

Nguồn: ITN

Khi thực tiễn đa dạng hơn quy định 

Những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trong nền kinh tế số đã dẫn tới sự ra đời của nhiều loại hình kinh doanh mới như bán hàng đa cấp, airbnb (mô hình kết nối người cần thuê nhà, thuê phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua ứng dụng di động), các hình thức vận tải Grab, Be...

Tuy nhiên, chưa có quy định pháp luật điều chỉnh về kinh doanh đa cấp trong khi thực tế đã xảy ra một số hệ quả tiêu cực từ bán hàng đa cấp bất chính. Mô hình Grab, Be đã xuất hiện từ nhiều năm nay nhưng cũng chưa có cơ sở pháp lý để phân định khi xảy ra tranh chấp với taxi truyền thống. Hay, tiền mã hóa xuất hiện trên thế giới từ năm 2009, sự tồn tại của nó mang nhiều tranh cãi nhưng nhiều tổ chức tài chính, nhà đầu tư đã chấp nhận tiền mã hóa, hoạt động đầu tư vào loại hàng hóa này khá phổ biến trong khi ở nước ta, các quy định pháp luật về tiền mã hóa còn thiếu và chưa đồng bộ.

TS. Nguyễn Thanh Lý, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam phân tích, điều này cho thấy thực tế đời sống nền kinh tế số đa dạng, phức tạp hơn rất nhiều các quy định pháp luật hiện hành. Sự mở rộng phạm vi hoạt động của thương mại điện tử ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của pháp luật trước sự biến đổi của đời sống xã hội, theo đó hệ thống pháp luật không chỉ chấp nhận sự tồn tại của thương mại điện tử mà còn phải tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững.

Do đó, pháp luật về thương mại điện tử trong bối cảnh nền kinh tế số cần bảo đảm tính dự liệu. Các nhà lập pháp cần có tầm nhìn dài hạn thông qua việc cập nhật sự phát triển của thương mại điện tử và những sản phẩm của nó ở các nước trên thế giới, từ đó xây dựng những quy định pháp luật có tính bao trùm, dự liệu cao và phù hợp hơn với thực tiễn, TS. Nguyễn Thanh Lý nhấn mạnh.

Hoàng Tuấn