Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Quy định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp

- Thứ Tư, 27/04/2022, 04:52 - Chia sẻ
Tổng kết 15 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho thấy, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình còn nhiều khó khăn. Cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Phiên họp thứ Mười, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, cần quy định rõ vai trò chủ trì, vai trò phối hợp trong quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao tính chủ động, phòng ngừa trong công tác này.

Lúng túng trong phối hợp liên ngành

Theo báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tỉ lệ tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình còn thấp (35%). Công tác phối hợp liên ngành tại địa phương còn lúng túng do sự chỉ đạo thống nhất từ các cơ quan Trung ương chưa thực sự đồng bộ, đặc biệt trong việc triển khai các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và thu thập, tổng hợp thông tin, báo cáo tại cơ sở. Nguồn lực đầu tư cho các hoạt động phối hợp liên ngành, các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình từ Trung ương tới địa phương còn rất hạn chế. Việc triển khai, thực hiện Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 hết sức khó khăn do chưa có mạng lưới cộng tác viên thu thập dữ liệu tại cơ sở.

Chương trình sân khấu hóa đã góp phần tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình
Ảnh: Ngọc Mai

Một trong những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành là chưa quy định cụ thể trách nhiệm cũng như biện pháp xử lý đối với người đứng đầu trong phòng, chống bạo lực gia đình. Thực tế cho thấy, lực lượng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình cần phải thiết lập ở cộng đồng dân cư để nâng cao tính chủ động, phòng ngừa, nhưng Luật hiện hành chưa có giải pháp cụ thể về mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.

Khắc phục những bất cập trên, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ Mười đã bổ sung quy định về phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 48); đồng thời, quy định nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ; trách nhiệm của UBND các cấp; trách nhiệm của cơ quan công an, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân các cấp; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; trách nhiệm của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm khắc phục những bất cập trong quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật

Cho ý kiến về nội dung này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật hiện hành đã quy trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các cơ quan, tổ chức chưa được đề cập dẫn đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình còn thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra cũng cho thấy, hiện nay, tại cấp tỉnh, huyện, xã có ban chỉ đạo công tác gia đình, trong đó có thực hiện việc phòng, chống bạo lực gia đình nhưng ở Trung ương lại chưa có ban chỉ đạo. Điều này khiến các địa phương thiếu sự hướng dẫn, chỉ đạo theo ngành dọc từ Trung ương. Luật hiện hành cũng chưa quy định rõ vai trò điều phối về phòng, chống bạo lực gia đình của cơ quan quản lý nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu không làm rõ vai trò chủ trì và vai trò phối hợp thì sẽ rất khó quy trách nhiệm trong trường hợp không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về phòng, chống bạo lực gia đình dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Do đó, cần phải làm rõ, quy định cụ thể vai trò chủ trì, phối hợp nhằm xác định được trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra một số điểm còn “vênh” giữa dự thảo Luật với một số luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, điểm b, khoản 1, Điều 34 dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự liên quan đến người bị bạo lực gia đình có quyền ra quyết định cấm tiếp xúc nếu xét thấy cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của nạn nhân bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối.

Tuy nhiên, tại khoản 5, Điều 34 dự thảo Luật quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cấm tiếp xúc quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành về biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định trường hợp Tòa án nhân dân tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Nhiều điểm "vênh" khác cũng được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra như: dự thảo Luật sử dụng khái niệm “người bị bạo lực gia đình” nhưng trong Luật Trợ giúp pháp lý sử dụng khái niệm “nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình’; hay trong các quy định về biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình như dự thảo Luật nêu các biện pháp “giải cứu người bị bạo lực gia đình”; “cấm tiếp xúc, giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc”… chưa thống nhất với quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự; khái niệm hòa giải được sử dụng trong dự thảo Luật chưa thống nhất và còn khác với khái niệm hòa giải trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật…

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát nhằm bảo đảm tính khả thi, đồng bộ của dự thảo Luật với các luật khác như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Trợ giúp pháp lý…

Với phạm vi sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình khá toàn diện, mặt khác, phòng, chống bạo lực gia đình là nội dung liên quan đến quyền con người, không chỉ được quy định trong luật pháp hiện hành mà còn liên quan đến nhiều văn kiện, điều ước quốc tế. Do đó, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đánh giá để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tương thích của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành và các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nhật An