Xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ:

Phân định rành mạch, tránh chồng chéo

- Thứ Ba, 22/03/2022, 06:04 - Chia sẻ
Sau khi được Quốc hội Khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười, Luật Giao thông đường bộ được sửa đổi theo hướng tách thành hai dự án luật là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tách thành hai luật riêng là khả thi và có cơ sở lý luận, thực tiễn. Tuy nhiên, cần rà soát thật kỹ phạm vi điều chỉnh, nội dung của từng dự thảo luật để bảo đảm phân định rành mạch, không chồng chéo, trùng lặp hay bỏ trống.

Nhiều vấn đề quan trọng chưa được quy định

Lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ được điều chỉnh chủ yếu bởi Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Tuy nhiên, Luật còn quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân khi thiết kế, quy hoạch, xây dựng và chuyển giao các công trình hạ tầng giao thông, kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải. Do đó, theo TS. Mai Ngọc Dương, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương, nhiều vấn đề quan trọng của lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa được quy định đầy đủ và cụ thể.

Nguồn: ITN

Đơn cử, chưa quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật. Nhiều nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân phải được quy định trong luật nhưng đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản dưới luật như đăng ký, cấp biển số xe, giải quyết tai nạn giao thông, tuần tra, kiểm soát, chỉ huy, điều khiển giao thông…

Bên cạnh đó, việc nội luật hóa các quy tắc giao thông trong Công ước Vienna về giao thông đường bộ năm 1968 mà nước ta tham gia năm 2014 cũng chưa sát với thực tiễn tình hình giao thông ở nước ta như quy định về sử dụng làn đường, dừng, đỗ xe trên đường phố, chuyển hướng, vượt xe, nhường đường tại nơi đường giao nhau, sử dụng đèn tín hiệu… dẫn đến khó khăn trong nhận thức và thực thi pháp luật.

Từ năm 2009 đến năm 2021, toàn quốc đã xảy ra hơn 361.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, chiếm hơn 95% số vụ, số người chết và người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến đường bộ cũng hết sức phức tạp, đã phát hiện, xử lý gần 40.000 vụ vi phạm pháp luật hình sự.

Phân định phạm vi điều chỉnh

Theo các chuyên gia, mục tiêu lớn nhất của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông, còn mục tiêu lớn nhất của Luật Đường bộ sẽ là đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, hai dự án luật này cần có sự phân định rành mạch về phạm vi điều chỉnh nhưng vẫn bảo đảm sự liên thông, thống nhất giữa việc bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với các vấn đề như người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, an toàn của các phương tiện giao thông.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trước hết cần bổ sung và làm rõ khái niệm “trật tự, an toàn giao thông đường bộ”. Đây là khái niệm cốt lõi, liên quan trực tiếp đến phạm vi điều chỉnh và các nội dung trong dự án luật. Nếu làm rõ được khái niệm này sẽ góp phần phân định rõ được lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành chức năng. Theo đó, lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ giao cho Bộ Công an quản lý nhà nước còn lĩnh vực kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ giao cho Bộ Giao thông vận tải.

Với con số nguyên nhân gây tai nạn do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ, từ góc độ cơ quan phối hợp trong công tác xây dựng văn hóa giao thông, TS. Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nên quy định rõ xây dựng văn hóa giao thông là một trong những nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và có một mục về xây dựng văn hóa giao thông. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ nói chung và quy tắc xử sự văn hóa khi tham gia giao thông nói riêng.

Đứng từ góc độ pháp luật quốc tế, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật và điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Hữu Phú đề xuất, ngoài việc nội luật hóa các nội dung trong Công ước Vienna năm 1968, nên điều chỉnh và bổ sung các quy định chi tiết hơn về định nghĩa, phân loại phương tiện, lối đi, yêu cầu về người điều khiển nhằm giải quyết các vấn đề mới phát sinh do cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra. Chẳng hạn, đối với phương tiện không người lái/tự động, cần tiếp cận theo hướng phương tiện chỉ phải tuân thủ quy tắc về giao thông đường bộ, không còn nhắm tới việc điều chỉnh hành vi của người điều khiển phương tiện. Ngoài ra, quá trình xây dựng dự án luật cần tham khảo thêm "Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau ASEAN về chứng nhận kiểu loại sản phẩm xe cơ giới", Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải hành khách qua biên giới bằng phương tiện giao thông đường bộ; hay hiệp định vận tải đường bộ giữa nước ta và một số nước.

Hoàng Tuấn