Nên có luật về làng nghề

- Thứ Năm, 10/03/2022, 06:59 - Chia sẻ
Theo nhiều chuyên gia, hiện các làng nghề đang hoạt động theo cơ sở pháp lý quy định về kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành nghề nông thôn... Điều này đòi hỏi cần có một đạo luật về làng nghề để tạo khung khổ pháp lý riêng, bảo đảm đạt được mục tiêu vừa bảo tồn, vừa phát triển làng nghề phù hợp với tình hình mới.

Muôn hình vạn trạng làng nghề    

Sự phát triển của các làng nghề ở nước ta đã chuyển từ tự phát sang có sự định hướng của nhà nước với Quyết định 132/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và gần đây nhất là Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn.

Cần có đạo luật riêng cho phát triển làng nghề

Tại Nghị định này, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương, UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho nhiều bộ, ngành liên quan như Bộ Công thương; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Vậy nhưng, theo TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, một bất cập lớn liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với làng nghề hiện nay là đơn vị “làng” không được quy định trong hệ thống quản lý hành chính nhà nước. Do đó, từ việc xét duyệt công nhận làng nghề cho đến thực hiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước đều thông qua chính quyền các cấp mà trực tiếp là cấp xã. Tuy nhiên, theo tập tục, quan hệ già làng, trưởng bản đã ăn sâu vào nếp sống cộng đồng ở nông thôn. Xuất phát từ truyền thống này mà hiện nay, tại nhiều làng nghề đã xuất hiện các tổ chức do dân làng tự lập ra như Ban đại diện làng hoặc các hội nghề nghiệp.

Thực tế còn cho thấy, làng nghề là một khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp đa ngành, phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên đồng thời chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành từ trung ương xuống địa phương. Dù Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất quản lý nhưng vẫn còn sự chồng chéo nhiệm vụ với Bộ Công thương, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau và với địa phương cũng chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật và công nghệ, các làng nghề đã có những khác biệt đáng kể so với trước đây. Đó là nhiều làng nghề đã biến đổi thành “phố nghề” trong phong trào đô thị hóa, ly nông bất ly hương. Có làng nghề đã thay đổi công nghệ và kỹ thuật sản xuất hiện đại hơn; có làng nghề vẫn giữ phương thức sản xuất cổ truyền nhưng nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã để đáp ứng thị hiếu khách hàng. Thêm vào đó là việc sử dụng nguyên liệu tại chỗ ngày càng ít đi, một số ngành nghề phải khai thác nguyên vật liệu từ xa, thậm chí phải nhập từ nước ngoài. Đặc biệt, hình thức tổ chức sản xuất trong các làng nghề tuy chủ yếu vẫn ở quy mô gia đình nhưng đã xuất hiện nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn…

Đến hết năm 2020, cả nước có 165 nghề truyền thống, 1.951 làng nghề (trong đó có 889 làng nghề truyền thống) đã được công nhận theo quy định. Trong số 1.951 làng nghề có 1.656 làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chiếm 84,8%. Lực lượng lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gần 1,3 triệu người với thu nhập bình quân là 5 triệu đồng/người/tháng.

Tư duy mới về làng nghề

Sự phát triển mất kiểm soát đã bắt đầu thể hiện ở nhiều làng nghề khi vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, nhiều làng nghề truyền thống bị mai một, không gian văn hóa làng nghề bị thu hẹp… Từ đó cho thấy, có nhiều vấn đề cần được quan tâm nếu muốn làng nghề xứng đáng là một điểm nhấn về kinh tế, văn hóa như bảo vệ môi trường; gìn giữ các giá trị văn hóa của làng nghề; đào tạo, bồi dưỡng và tôn vinh nghệ nhân; phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người lao động; nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội nghề nghiệp. Việc có một luật riêng về làng nghề sẽ góp phần điều chỉnh mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn và phát triển trên quan điểm hài hòa lợi ích cộng đồng với lợi ích quốc gia, bảo đảm cho các làng nghề phát triển bền vững.

Theo Luật sư Lê Việt Trường, Đoàn Luật sư tỉnh Phú Thọ, để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, rất cần một văn bản quy phạm pháp luật ở tầm đạo luật để điều chỉnh về làng nghề. Việc xây dựng luật này trên cơ sở kế thừa, phát triển những quy định của Nghị định 52/2018/NĐ-CP hoàn toàn khả thi, bảo đảm không chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, nếu luật về làng nghề được ban hành sẽ mang lại những tác động tích cực về kinh tế - xã hội. Cụ thể là bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, hạn chế thấp nhất tình trạng thất truyền hoặc mai một những nghề truyền thống có giá trị cao về văn hóa; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, khai thác lợi thế so sánh và những tiềm năng sẵn có của mỗi địa phương, giảm tình trạng ly nông, ly hương, di dân đến các đô thị vì mưu sinh.

Tuy nhiên, để phát huy được những quy định này cần đổi mới tư duy về phát triển làng nghề trong điều kiện mới, tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn với chương trình chuyển đổi số quốc gia, nền kinh tế số, sự hình thành và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như xây dựng nông thôn mới.

Hoàng Tuấn