Sổ tay:

Chuyên môn hóa

- Thứ Ba, 22/03/2022, 06:02 - Chia sẻ
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong 4 năm kể từ khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực (từ 1.1.2018 đến hết năm 2021), số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên là 24.692 vụ việc (số vụ việc tham gia tố tụng là 19.291 vụ, chiếm 78,12%); riêng trẻ em là 11.811 vụ việc (vụ việc tham gia tố tụng chiếm 69,13%).

Tuy nhiên, nhìn vào số liệu người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật mỗi năm bao gồm khoảng 13.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật, 2.000 em là người bị hại trong các vụ án hình sự và khoảng 60.000 người chưa thành niên trong các vụ án hôn nhân và gia đình thì còn rất nhiều người chưa thành niên có nhu cầu được tư vấn, được đại diện trong và ngoài tố tụng chưa được biết đến hoặc chưa được tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Do đặc điểm về khả năng nhận thức, tâm sinh lý đặc thù trẻ em là đối tượng cần có sự quan tâm về các mặt liên quan đến sự phát triển của trẻ em như: giáo dục, y tế, văn hóa, phòng chống bạo lực… Chính vì vậy, từ lâu Liên Hợp Quốc đã có những khuyến nghị các quốc gia thành viên cần có các biện pháp thích hợp để thiết lập hệ thống trợ giúp pháp lý thân thiện và nhạy cảm với trẻ em. Theo đó, để thiết lập hệ thống này, các quốc gia không chỉ hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan mà còn triển khai các giải pháp nhân lực, kỹ thuật nhằm xây dựng các tiêu chuẩn về dịch vụ trợ giúp pháp lý và quy tắc ứng xử chuyên môn thân thiện với trẻ em; cũng như đào tạo đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý về quyền trẻ em và các vấn đề liên quan.

Đối chiếu vào những khuyến nghị nêu trên cho thấy, Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý hoàn thiện với Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trẻ em… và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tuy nhiên, vẫn thiếu đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý có kiến thức chuyên sâu về pháp luật liên quan đến trẻ em (quyền và nghĩa vụ của trẻ em, các quy định xử lý hành chính, xử lý hình sự đối với trẻ em), tâm sinh lý của trẻ em.

Bởi thực tế, để trợ giúp pháp lý cho người vị thành niên, trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên pháp lý không chỉ có trình độ và kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan đến trẻ em để có thể áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc cụ thể; nắm vững các quyền của trẻ em và các nguyên tắc thường được áp dụng khi xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em… mà cần phải có kiến thức về tâm, sinh lý của lứa tuổi này, cũng như kinh nghiệm và kỹ năng làm việc với trẻ em; có khả năng nắm bắt, phân tích diễn biến tâm lý của trẻ em…

Liên quan đến vấn đề này, hiện Bộ Tư pháp với sự chung tay của các tổ chức quốc tế đã có những khóa đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên, bên cạnh việc xây dựng các ấn phẩm hướng dẫn nghiệp vụ. Tuy nhiên, về lâu dài các bộ, ngành liên quan cần đề xuất xây dựng chính sách thúc đẩy chuyên môn hóa về tư pháp với người chưa thành niên cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, gắn nhu cầu này với chương trình dạy học trong các hệ thống đào tạo luật; cũng như phương thức thực hiện trợ giúp pháp lý dành riêng cho trẻ em, người chưa thành niên; đồng thời xây dựng bộ quy tắc ứng xử của người trợ giúp pháp lý khi làm việc với người chưa thành niên.

Bình Khang