Xây dựng bộ công cụ chuẩn và quy tắc ứng xử phù hợp với tài nguyên nước

- Thứ Sáu, 21/02/2020, 18:02 - Chia sẻ
Ngày 21.2, trong cuộc họp báo cáo về triển khai công tác lập quy hoạch tài nguyên nước do Cục Quản lý Tài nguyên nước phối hợp Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành yêu cầu các đơn vị cần đề ra cách thức tổ chức, thực hiện cụ thể, như xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng tháng, năm và từng lưu vực sông; lập Hội đồng xem xét, đánh giá… Đồng thời xây dựng bộ công cụ chuẩn, quy tắc ứng xử phù hợp với tài nguyên nước, tính toán thống nhất sử dụng một bộ mô hình thủy lực, thủy văn phù hợp với từng lưu vực để đưa các nội dung vào Thông tư quy hoạch tài nguyên nước quốc gia.

Báo cáo về triển khai công tác lập quy hoạch tài nguyên nước, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết: Cục đã phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thực hiện 3 nhiệm vụ chính. Đó là đưa ra các thông tin số liệu phục vụ lập quy hoạch, tính toán tài nguyên nước và tình hình tài nguyên nước trong 10 năm qua. Theo đó, các thông tin số liệu phục vụ lập quy hoạch gồm nhóm ít biến đổi (bản đồ và dữ liệu nền địa hình; thông tin dữ liệu địa lý tự nhiên, dân số; kịch bản biến đổi khí hậu...) và nhóm tài liệu, dữ liệu phải cập nhật hàng năm (số liệu đo đạc, quan trắc khí tượng thủy văn, hải văn, tài nguyên nước; số liệu điều tra khảo sát tài nguyên nước; số liệu, dữ liệu về hiện trạng khai thác sử dụng nước của các ngành, địa phương và thượng nguồn các sông liên quốc gia...).

Về tính toán tài nguyên nước, tập trung tính toán tổng lượng tài nguyên nước cho các lưu vực sông liên tỉnh; tính toán lượng nước có thể khai thác, sử dụng cho các lưu vực sông liên tỉnh với 3 lưu vực sông đã tính trong năm 2018 và 2019 (Bằng Giang, Kỳ Cùng, Sêsan, Srêpok do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã thực hiện); 2 lưu vực sông thực hiện trong năm 2020 (sông Hồng - Thái Bình, Cửu Long do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đang thực hiện); 8 lưu vực sông kế hoạch thực hiện trong năm 2021...

Tổng kết vấn đề quản lý tài nguyên nước trong 10 năm qua, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến: Hiện các nội dung quản lý nhà nước về tài nguyên nước được quy định tại điều 70, Luật Tài nguyên nước được cụ thể hóa tại 6 Nghị định và 30 Thông tư nhằm quản lý, điều phối các hoạt động về tài nguyên nước trong thực tiễn. Thực tế cho thấy có tới 28 nhóm vấn đề lớn về tài nguyên nước cần có quy định quản lý, quy hoạch để điều chỉnh. Trong đó lưu ý đến an ninh nguồn nước quốc gia và mỗi lưu vực sông bởi từng lưu vực sông đang bị đe dọa, mất cân bằng về cung và cầu hiện chưa được đánh giá chính xác, cũng như việc cạnh tranh sử dụng nước ở các lưu vực sông liên tỉnh nhất là trong mùa khô. Vì đã xảy ra tranh chấp nguồn nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Bởi việc vận hành tích nước các hồ chứa thủy điện (Quảng Nam) đã gây ra tình trạng thiếu nước ngọt ở hạ du, làm xâm nhập mặn gia tăng trên các sông phía hạ du (Đà Nẵng), dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng cấp cho các nhà máy sản xuất nước sạch sinh hoạt. Nguyên nhân có thể do việc điều tiết dòng chảy ở phía thượng nguồn không đảm bảo.

Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh cho rằng, cơ bản nhất trong xây dựng quy hoạch tài nguyên nước là xây dựng cơ sở dữ liệu chung để các địa phương ứng dụng, như thiết lập hệ thống công cụ mô hình toán lưu vực sông để tính lượng nước lũ và lượng nước chuyển đi trong lưu vực; tính toán lượng nước khai thác và sử dụng cho từng lưu vực; lượng nước phân bổ cho lưu vực sông liên tỉnh; đặc biệt rà soát lại các quy định kỹ thuật, tăng cường tập trung đến vấn đề thiếu nước tại các huyện, xã, nhánh sông.

Theo TTXVN