Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Tránh chồng chéo về hoạt động giữa thanh tra và kiểm toán

- Thứ Năm, 26/05/2022, 19:52 - Chia sẻ

Tham gia thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng: Việc sửa đổi Luật Thanh tra lần này để giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Do đó, dự thảo Luật nên có sự thống nhất, quy định về tổ chức thanh tra. Đồng thời, quy định tối thiểu về biên chế để bảo đảm chất lượng hiệu quả hoạt động...

Cần thống nhất quy định về tổ chức thanh tra

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, dự thảo đã có chỉnh lý tiếp thu và bổ sung so với dự thảo lần đầu. Thực tế hiện nay, việc triển khai công tác thanh tra từ Trung ương đến địa phương cũng còn nhiều vướng mắc. Vì vậy, việc sửa đổi Luật không chỉ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 mà còn giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua của Luật Thanh tra năm 2010 đã thực hiện. Thống nhất với việc duy trì thanh tra cấp huyện theo Luật Thanh tra năm 2010, đại biểu nhìn nhận, trong những năm qua, thanh tra cấp huyện đang hoạt động hiệu quả. Đây là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn giúp UBND cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu không có cơ quan thanh tra tham mưu, giúp việc cho Chủ tịch UBND cùng cấp, sẽ rất khó trong việc tiếp công dân, cũng như giải quyết các đơn thư ngay từ cơ sở.

“Mục tiêu của chúng ta là thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, giải quyết các đơn thư ngay tại cơ sở, tránh việc đơn thu vượt cấp. Do vậy, nếu không có thanh tra cấp huyện sẽ rất khó khăn. Trong thực tế, có những vụ việc chúng ta cần tổ chức xác minh, làm việc ngay hoặc có những nội dung theo đơn thư hoặc thanh tra đột xuất thì thanh tra cấp huyện cần phải trực tiếp làm, kể cả cấp xã vì thanh tra cấp tỉnh không thể bao phủ được hết các huyện. Mặc dù, theo báo cáo và số liệu thống kê, hàng năm ở cấp huyện chỉ thanh tra 2 - 3 cuộc nhưng thực tế là còn nhiều nội dung phát sinh khác nữa. Do vậy duy trì mô hình thanh tra cấp huyện sẽ phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hiện nay”, đại biểu Ngọc đề nghị.

Tránh chồng chéo việc thanh tra, kiểm toán -0
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu 

Đối với việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và thành lập cơ quan thanh tra tại các cơ quan thanh tra thuộc Chính phủ và cơ quan của Nhà nước, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, điều này phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, dù thời gian qua, Luật Thanh tra năm 2010 không quy định về thanh tra Bộ và thành tra Tổng cục. Tuy nhiên, thực tế thanh tra của Tổng cục và Cục cũng đã thực hiện nhiệm vụ của mình. Cụ thể, theo số liệu thống kê, hiện có 51 Tổng cục đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Vì vậy, việc tiếp tục khẳng định việc thành lập cơ quan thanh tra của Tổng cục, Cục là phù hợp.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị, cần có quy định về tiêu chí để thành lập thanh tra Tổng cục, Cục cho chặt chẽ. Đối với những nơi thành lập mới cần phải tính toán, cân nhắc để không tăng số lượng biên chế nhưng vẫn bảo đảm chất lượng hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện và cũng để cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình thực hiện công tác thanh tra. Bên cạnh đó, trong dự thảo luật cũng nên có sự thống nhất, quy định về tổ chức thanh tra. Đồng thời, nên quy định tối thiểu về biên chế để bảo đảm chất lượng hiệu quả hoạt động và phù hợp với các quy định của pháp luật. Bởi, trên thực tế, khi thành lập 1 phòng có chánh thanh tra, phó chánh thanh tra, thanh tra viên mà chỉ để 1 - 2 biên chế sẽ bất cập và không đáp ứng được yêu cầu công việc”, đại biểu Ngọc đề nghị.

Đề cập đến vấn đề biên chế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cũng đề nghị, về nguyên tắc vẫn phải bảo đảm biên chế không tăng lên, bởi "nếu có quá nhiều tổ chức thì sẽ quay trở lại câu chuyện kiểm tra thanh tra chồng chéo, gây ra khó khăn cho việc hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong thời gian sắp tới" - đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà lưu ý. 

Nhấn mạnh lo ngại về sự chồng chéo, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Hoàng Đức Chính cho biết, thực tế thời gian qua, có cơ quan thanh tra đã vào thanh tra về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tổ chức. Trong đó, sau thanh tra về quản lý tài chính đã ban hành kết luận thanh tra. Tuy nhiên, sang năm sau, cơ quan kiểm toán lại vào kiểm toán về quản lý tài chính trong một giai đoạn nhất định. Như vậy, là có sự chồng lấn lên những việc mà cơ quan thanh tra đã làm của giai đoạn trước. Đại biểu đề nghị, với cùng 1 nội dung và 1 đối tượng thì không tiến hành thanh tra hoặc kiểm toán đối với những nội dung đã có kết luận thanh tra hoặc kiểm toán; trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng hoặc pháp luật của Nhà nước thì khi đó mới tiến hành thanh tra hoặc kiểm toán lại đối với các đối tượng này.

Tránh chồng chéo việc thanh tra, kiểm toán -0
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Ngô Văn Tuấn phát biểu

Đồng tình với quan điểm trên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Ngô Văn Tuấn cũng đề nghị, trong luật phải ghi rõ từ thời hạn khi công bố quyết định thanh tra đến khi kết luận kiểm tra là bao nhiêu ngày và có thời hạn cụ thể; đồng thời phải quy định rõ thời hạn khắc phục các kết luận của thanh tra, kiểm tra.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong khám, chữa bệnh

Góp ý vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) đề nghị: Liên quan đến Điều 90 về xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh nên cụ thể hơn vì hiện nay vẫn quy định chung chung, chưa rõ được xã hội hóa như thế nào. Cho rằng, trong thời gian vừa qua, đối với việc xác định giá khám chữa bệnh dịch vụ này thì có rất nhiều vấn đề, đại biểu đề nghị trong dự thảo luật này cụ thể được càng nhiều càng tốt để sau này sẽ xác định các giá dịch vụ khám chữa bệnh một cách thuận lợi hơn hoặc phải có quy định là giao cho Chính phủ hướng dẫn về quy định này. Bởi nếu không quy định cụ thể, thì sau này  xác định chi phí khác là chi phí nào sẽ rất khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện - đại biểu Hà nhấn mạnh.

Tránh chồng chéo việc thanh tra, kiểm toán -0
Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tham gia phiên thảo luận Tổ chiều ngày 26.5

Nhấn mạnh về vấn đề y tế cơ sở, ĐBQH Ngô Văn Tuấn đề nghị phải tăng cường năng lực của đội ngũ y tế cơ sở; có hệ thống pháp lý cho đội ngũ mạng lưới bác sĩ gia đình. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, nâng cao chất lượng trong khám, chữa bệnh cho người dân. Trong đó, chú trọng việc khám, chữa bệnh từ xa, phù hợp với xu thế của các nước phát triển trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trần Tâm