Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Hoàn thiện dự thảo Nghị quyết giám sát, bảo đảm đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, chặt chẽ và khả thi

- Thứ Hai, 30/05/2022, 19:37 - Chia sẻ

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, giải trình và hoàn thiện các nội dung của dự thảo Nghị quyết.

Kết luận phiên giám sát tối cao của Quốc hội về công tác quy hoạch hôm nay, 30.5, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, giải trình và hoàn thiện các nội dung của dự thảo Nghị quyết, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, có đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào chiều ngày 16.6 tới. 

Qua một ngày làm việc tích cực, khẩn trương đã có 39 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và 1 ý kiến tranh luận. Đại diện cho Chính phủ có 5 Bộ trưởng gồm: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát biểu với Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Hoàn thiện dự thảo Nghị quyết giám sát, bảo đảm đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, chặt chẽ và khả thi -0
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu kết luận phiên giám sát tối cao của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết về giám sát của Quốc hội và gửi ý kiến về Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp. "Nhìn chung, nội dung thảo luận đã bao quát toàn diện, các ý kiến phong phú, sâu sắc, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn, thể hiện sự quan tâm, tâm huyết và trách nhiệm của đại biểu đối với công tác quy hoạch, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đầy trách nhiệm và mang tính xây dựng", Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định. 

Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm và quyết tâm của Đoàn giám sát, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để hoàn thành tốt yêu cầu và nhiệm vụ giám sát chuyên đề của Quốc hội và đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, sự tham gia tích cực, hiệu quả của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố, cơ quan Kiểm toán nhà nước, các chuyên gia, các nhà khoa học và đại biểu Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội, bước đầu tác động, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Hoàn thiện dự thảo Nghị quyết giám sát, bảo đảm đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, chặt chẽ và khả thi -0
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 166 của Đoàn giám sát Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Quốc hội khẳng định việc xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch là nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13 ngày 16.1.2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch còn nhiều khó khăn, vướng mắc do quy định của Luật Quy hoạch còn bất cập, chưa rõ ràng, còn có cách hiểu khác nhau. Tiến độ lập quy hoạch rất chậm, dẫn đến khi các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 hết hiệu lực thì không còn cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 751 cho phép lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia để có thể triển khai công tác lập quy hoạch và cho phép các quy hoạch nêu tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch phê duyệt trước ngày 1.1.2019 được điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt.

Quốc hội phân tích sâu sắc những tồn tại, hạn chế thời gian qua do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch còn bất cập, còn do việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch ở các cấp, các ngành, các địa phương còn hạn chế, chưa thật quyết liệt, trách nhiệm, có nơi, có lúc chưa cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Hoàn thiện dự thảo Nghị quyết giám sát, bảo đảm đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, chặt chẽ và khả thi -0
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Quốc hội cơ bản thống nhất với kiến nghị của Đoàn giám sát về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch với những nội dung đã thể hiện trong dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, qua thảo luận, một số đại biểu Quốc hội đã phát biểu nhiều ý kiến có giá trị bổ sung cho những nhận định, đánh giá trong Báo cáo giám sát và những ý kiến trực tiếp vào các nội dung của dự thảo nghị quyết giám sát. Ý kiến của các Bộ trưởng đã giải trình, làm rõ thêm những vấn đề về quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực được phân công.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý ý kiến của đại biểu Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về giám sát của Quốc hội cần làm rõ hai vấn đề lớn: 

Một là, xác định cụ thể các nhóm giải pháp cho phép Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch được thực hiện ngay để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập, bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch, đồng thời xác định các nhóm nhiệm vụ cụ thể giao Chính phủ thực hiện để trước mắt khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hai là, các giải pháp trong trung và dài hạn. Quốc hội giao Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Hoàn thiện dự thảo Nghị quyết giám sát, bảo đảm đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, chặt chẽ và khả thi -0
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được tổng hợp, ghi âm, ghi chép đầy đủ và sẽ có báo cáo tổng hợp gửi trực tiếp bằng văn bản đến đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, giải trình và hoàn thiện các nội dung của dự thảo nghị quyết, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, có đầy đủ căn cứ chính trị pháp lý và thực tiễn, bảo đảm tính khả thi khi triển khai tổ chức thực hiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào chiều ngày 16.6.2022, trong đó có kèm theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quỳnh Chi
#