Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì làm việc với Thanh Hóa về giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

- Thứ Tư, 20/07/2022, 12:45 - Chia sẻ

Ngày 20.7, tại Thanh Hóa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với UBND tỉnh Thanh Hóa.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại buổi làm việc

Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng Đoàn giám sát; Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn; các thành viên Đoàn giám sát và chuyên gia, khách mời tham gia Đoàn...

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh đã thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên được 2.493 tỷ đồng, nguồn kinh phí tiết kiệm được sử dụng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Về sắp xếp, tinh giảm biên chế, toàn tỉnh đã giảm được 243 đơn vị (giảm 9,81%) và 54 đầu mối sự nghiệp công lập; hoàn thành việc sáp nhập và giảm được 1.578 thôn, bản, tổ dân phố, hoàn thành sáp nhập 143 xã, phường, thị trấn thành 67 xã, phường, thị trấn, giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã…

Về quản lý, sử dụng đất đai, giai đoạn 2016 - 2020, có 1.143 dự án được giao đất, cho thuê đất, với tổng diện tích 350,2 ha; đối với đất nông, lâm trường, toàn tỉnh có 9 công ty nông, lâm nghiệp, hiện đang quản lý, sử dụng 25.872,93 ha; cùng 8 ban quản lý rừng phòng hộ và Trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm, dịch vụ cây trồng đang quản lý, sử dụng 80.528,38 ha…

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu

UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị, Quốc hội sớm sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, nhất là việc bổ sung chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai; điều chỉnh quy định đối với thời kỳ quy hoạch tại các văn bản: Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và Luật Đất đai cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất; cho phép kéo dài thời gian bố trí, sắp xếp số lượng công chức dôi dư đến sau năm 2025 cho đến khi bằng hoặc thấp hơn theo quy định…

Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được chính quyền các cấp trên địa bàn Thanh Hóa thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tế.

Về công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, một số ý kiến cho rằng, một số nhà đầu tư chậm triển khai thực hiện dự án, không bảo đảm tiến độ đã cam kết; việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường được giữ lại sử dụng còn tình trạng hoang hóa chưa sử dụng 12 tháng liên tục; đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân bị bỏ hoang không sản xuất hoặc chưa sử dụng… Có ý kiến đề nghị, Thanh Hóa làm rõ nguyên nhân của việc chưa thực hiện xử lý, thu hồi diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân bị bỏ hoang không sản xuất hoặc chưa sử dụng; đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng "người thì để ruộng hoang, người thì không có ruộng để sản xuất".

Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao những kết quả Thanh Hóa đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021; nhấn mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến mọi mặt trong đời sống xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của địa phương là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, tổng hợp và đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục làm việc với một số bộ, ngành, địa phương để có đầy đủ thông tin, luận cứ xác đáng, đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thanh Hóa cần tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu theo đề xuất của Tổ công tác và Đoàn giám sát; phản ánh những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, xác định rõ trách nhiệm của ai, cấp nào... Đối với các đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật cần cụ thể, rõ ràng ở điều, khoản nào, sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới để cung cấp thông tin chuẩn xác cho Đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, với những vấn đề đã rõ, thuộc phạm vi thẩm quyền của tỉnh thì cần tập trung chỉ đạo khắc phục, tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát, không đợi đến khi có Báo cáo và Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát. Đối với những vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền, Đoàn giám sát sẽ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có giải pháp tháo gỡ.

Tin và ảnh: Trung Thành
#