Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

- Thứ Hai, 05/09/2022, 12:09 - Chia sẻ

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn giám sát chủ trì

Sáng 5.9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, 22 Hùng Vương, Đoàn giám sát của Quốc hội "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” đã làm việc với Chính phủ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.

Tham dự cuộc làm việc về phía Đoàn giám sát có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát. Về phía Chính phủ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc

Báo cáo với Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, giai đoạn 2016 - 2020 và hàng năm, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 104 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương đã ban hành theo thẩm quyền 5.978 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến pháp luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trong đó có 6 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Về thu ngân sách nhà nước, giai đoạn 2016 – 2020 đạt 6,89 triệu tỷ đồng, vượt kế hoạch 5 năm đề ra (100,4%). Đây là kết quả tích cực trong điều kiện tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt khoảng 6%. Chi ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt khoảng 7,3 triệu tỷ đồng (đạt 91,8% kế hoạch 5 năm). Chi ngân sách nhà nước được cơ cấu lại, dành nguồn lực tăng chi đầu tư từ mức 22,9% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2016 lên khoảng 26% năm 2020.

Lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tổng giá trị thu về từ công tác cổ phần hóa là 36,5 nghìn tỷ đồng. Thu từ nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp đạt xấp xỉ 238,7 nghìn tỷ đồng.

Đáng lưu ý, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, “tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2020 đã có bước tiến vượt bậc so với các năm trước, đạt 97,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nâng tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước giai đoạn 2016 – 2020 là 83,4%”.

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng cũng chỉ rõ, công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm và hàng năm của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương vẫn còn hình thức, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm chưa sát thực tế, còn chậm được khắc phục, còn tình trạng nợ đóng thuế, thất thu, chậm thu, thu không đúng, không đủ, chưa triệt để tiết kiệm, còn thất thoát, lãng phí lớn trong chi tiêu ở một số lĩnh vực.

toàn cảnh cuộc làm việc
Quang cảnh cuộc làm việc

Đoàn giám sát nêu thực tế vẫn còn hàng nghìn dự án đầu tư công chậm tiến độ, điều chỉnh dự án nhiều lần, cá biệt có các dự án hoàn thành nhiều năm chưa được đưa vào sử dụng hoặc sử dụng nhưng hiệu quả thấp, tỷ lệ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công thấp, số vốn không sử dụng hết, hủy dự toán, chuyển nguồn hàng năm còn lớn và có xu hướng gia tăng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân đề nghị Chính phủ đánh giá việc thực hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã nghiêm túc hay chưa? Nếu bộ, ngành, địa phương nào thực hiện không tốt, không nghiêm thì đã có hình thức xử lý như thế nào? Và nên chăng có gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với phòng, chống tiêu cực, tham nhũng hay không? Phải siết chặt lại công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để không lạm dụng, phí phạm tài sản quốc gia, tài sản của nhân dân.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo trên cơ sở bám sát quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổng hợp đầy đủ, khách quan thông tin, số liệu theo yêu cầu của Đoàn giám sát; lượng hóa tối đa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát chỉ tiêu thống kê, định mức, tiêu chuẩn, số lượng danh mục liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bổ sung các nội dung có liên quan như vốn vay nước ngoài, Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước.

Tin và ảnh: Hoàng Ngọc
#