Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác Quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành

Cần thống nhất về thời gian, tầm nhìn quy hoạch cùng cấp

- Thứ Hai, 30/05/2022, 11:06 - Chia sẻ

Đánh giá Luật Quy hoạch năm 2017 đã đặt ra nền tảng pháp lý quan trọng cho phát triển quy hoạch cũng như kinh tế - xã hội của đất nước, tại phiên giám sát tối cao của Quốc hội sáng nay, 30.5, ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) cũng lưu ý, hiện vẫn còn một số nội dung chồng chéo, trùng lắp giữa Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị.  

Theo báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” của Đoàn giám sát, một số quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất chưa thống nhất về phạm vi, đối tượng dẫn đến sự thiếu đồng bộ về nội dung của các loại quy hoạch này trên cùng một đơn vị lãnh thổ. Quy hoạch chung đô thị được lập theo Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh được lập cho thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch có những nội dung trùng lặp, chồng chéo khiến các thành phố trực thuộc Trung ương gặp nhiều khó khăn khi phải lập đồng thời cả 2 loại quy hoạch, gây lãng phí.

Cần thống nhất về thời gian, tầm nhìn quy hoạch cùng cấp
ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồ Long

Đồng tình với nội dung này, ĐB Trần Anh Tuấn cho biết, tại Điều 18 của Luật Quy hoạch đô thị cũng đã được bổ sung sửa đổi tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Theo đó, quy hoạch chung của thành phố trực thuộc trung ương cụ thể hóa quy hoạch tỉnh, thành có các nội dung liên quan về tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở. Đề án quy hoạch chung cấp tỉnh, thành phố cũng thể hiện xác định mô hình phát triển, cấu trúc không gian đô thị bao gồm các nội dung liên quan với đô thị và ngoại thành, kể cả không gian ngầm, định hướng các công trình kỹ thuật khung.

“Hai nội dung này trong hai Luật nêu trên đều có những điểm khá tương đồng và theo quy định thì quy hoạch chung đô thị cụ thể hóa quy hoạch của tỉnh, thành cho nên mức độ thể hiện của quy hoạch tỉnh như thế nào cũng phải được cân nhắc thể hiện phải rõ ràng, tránh trùng lắp trong quá trình lập quy hoạch thành phố”, đại biểu nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Trần Anh Tuấn, các thời kỳ quy hoạch giữa các quy hoạch cùng cấp cũng cần có sự thống nhất. Tại Điều 8 của Luật quy hoạch quy định thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch cấp quốc gia là 10 năm, tầm nhìn quy hoạch quốc gia là từ 30 đến 50 năm, tầm nhìn quy hoạch vùng, tỉnh từ 20 đến 30 năm. Tuy nhiên, tại điều 25 của Luật quy hoạch đô thị thì thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương là từ 20 đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm. Tại Điều 29 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch quy định quy hoạch chung được lập cho thành phố trực thuộc trung ương cụ thể hóa quy hoạch tỉnh lập ở thành phố trực thuộc trung ương về tổ chức không gian, về các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội và nhà ở.

Cần thống nhất về thời gian, tầm nhìn quy hoạch cùng cấp -0
Các đại biểu TP. Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Quang Khánh

"Như vậy, thời kỳ và tầm nhìn giữa quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017 và quy hoạch chung theo Luật Quy hoạch đô thị là khác nhau, nên quá trình lập quy hoạch sẽ gặp khó khăn đối với yêu cầu đồng bộ, tương thích về nội dung và thời điểm khớp nối về phân tích và luận chứng các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển". Nhấn mạnh điều này, đại biểu TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, cần phải có sự thống nhất về thời gian, tầm nhìn quy hoạch cùng cấp để việc tiến hành triển khai quy hoạch hay điều chỉnh các quy hoạch sau này cũng dễ dàng, thuận lợi hơn.

Minh Trang
#