Dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023:

Cần giám sát tối cao việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

- Thứ Hai, 23/05/2022, 18:50 - Chia sẻ

Nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí cần giám sát tối cao chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong năm 2023.

Cần giám sát tối cao việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông -0
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành kỳ họp. Ảnh: Quang Khánh

Trong phiên thảo luận chiều nay, 23.5, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí Quốc hội cần giám sát tối cao chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong năm 2023 nhằm đánh giá đầy đủ, kịp thời ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, từ đó có định hướng chỉ đạo tiếp tục đổi mới trong những năm tiếp theo.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. 

Chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm

Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày, trong năm 2021, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao, hoàn thành chương trình, kế hoạch giám sát đề ra. Thông qua hoạt động giám sát, đã kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ lụy nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt và hoàn thiện chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cần giám sát tối cao việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông -0
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Ảnh: Quang Khánh

Về Chương trình giám sát năm 2022, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, việc triển khai giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và có một số điểm đổi mới so với thông lệ trước đây, đó là: lần đầu tiên, thành viên Đoàn giám sát có lãnh đạo một số cơ quan có liên quan, các chuyên gia và đặc biệt là sử dụng tối đa các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; các Đoàn giám sát ban hành Nghị quyết phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Đoàn giám sát; Căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, Đoàn giám sát sẽ lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ quan, địa phương, cơ sở; HĐND tỉnh tổ chức việc thực hiện giám sát và gửi báo cáo về Đoàn giám sát; các Đoàn đại biểu Quốc hội phải tổ chức giám sát đối với cả 4 chuyên đề, huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương.

Đặc biệt, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho phép đổi mới trong ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, không kèm theo kế hoạch giám sát mà chỉ đưa một số nội dung chính như: phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian xem xét báo cáo...; đồng thời, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề; xác định cụ thể hơn về đối tượng, nội dung giám sát tại Kế hoạch chi tiết để tạo sự chủ động cho Đoàn giám sát trước khi Trưởng Đoàn giám sát ký ban hành đã mang lại kết quả tích cực, là bài học kinh nghiệm quý cho việc xây dựng và triển khai các đoàn giám sát chuyên đề những năm tiếp theo…

Đối với dự kiến chương trình giám sát năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực với 121 vấn đề thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, căn cứ vào các tiêu chí về nội dung đã thực hiện, năng lực thực hiện của các cơ quan, đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Cụ thể gồm: Chuyên đề 1 về Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan giám sát, đơn vị được giám sát

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) khẳng định, những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cử tri và Nhân dân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan giám sát, đơn vị được giám sát, tạo sự đồng thuận, thống nhất, chủ động trong tổ chức thực hiện.

Cần giám sát tối cao việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông -0
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Cần giám sát tối cao việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông -0
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu. Quang Khánh

Đối với dự kiến chương trình giám sát năm 2023, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị, lựa chọn giám sát tối cao chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là nội dung cốt lõi đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, có tầm quan trọng, ý nghĩa hết sức to lớn. Nhưng vì sao cử tri còn nhiều bức xúc với đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông? Đặt câu hỏi này, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu rõ, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tác động đến toàn gia đình, toàn xã hội, nhưng từ khi đổi mới, sách giáo khoa không còn được sử dụng lại, hàng năm ước tính có đến hàng ngàn tỷ đồng để mua sắm sách giáo khoa, gây ra sự lãng phí rất lớn. Chưa kể có trường hợp sách giáo khoa in sai, có nhiều ngôn từ chưa phù hợp, hình ảnh chưa chuẩn mực. Vì vậy, rất cần giám sát chuyên đề này, thấy rõ cái được, chưa được để có sự điều chỉnh chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ngày càng tiến bộ hơn.

Cần giám sát tối cao việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông -0
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Nhất trí Quốc hội cần tiến hành giám sát tối cao về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhấn mạnh, Nghị quyết 88 và Nghị quyết số 51 có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết 88 được Quốc hội ban hành cách đây gần 8 năm, Nghị quyết 51 được Quốc hội ban hành cách đây gần 5 năm. Theo lộ trình được quy định tại Nghị quyết số 51 thì sau 2 năm nữa sẽ hoàn thành đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở toàn bộ cấp học phổ thông. Việc Quốc hội giám tối cao vào thời điểm này, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý sẽ giúp đánh giá đầy đủ, kịp thời ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, từ đó có định hướng chỉ đạo tiếp tục đổi mới trong những năm tiếp theo.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, về cơ bản các đại biểu nhất trí với đánh giá kết quả hoạt động giám sát năm 2021, xây dựng, triển khai Chương trình giám sát năm 2022, dự kiến chương trình giám sát năm 2023. Trên cơ sở thảo luận hôm nay và kết quả phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Hoàng Ngọc
#