Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi):

Trại giam được tổ chức các khu sản xuất, điểm lao động

- Thứ Tư, 22/05/2019, 17:54 - Chia sẻ
Đây là một trong những đề nghị nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày trước QH trong phiên họp chiều nay. Đề nghị này được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của đa số các ĐBQH trong lần trình QH cho ý kiến trước đó.

Sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp?

Trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đồng thời cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)
Ảnh: Quang Khánh

Một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ phạm nhân trốn.

UBTVQH nhận thấy, chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là: “Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội…”. (Điểm e khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự). Do đó, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ và là một trong những yêu cầu quan trọng của công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù. Việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tổ chức cho họ lao động sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam.

Vì vậy, “công tác tổ chức lao động cho phạm nhân vừa nhằm giáo dục cải tạo, dạy nghề, cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng là biện pháp quản lý hiệu quả”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói. 

Trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn

Để có cơ sở đầy đủ cho ĐBQH xem xét, cho ý kiến về phương án quy định trong dự thảo Luật, UBTVQH đã chỉ đạo Bộ Công an có báo cáo đầy đủ về công tác tổ chức lao động tại các trại giam và việc thí điểm đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.


Ảnh: Quang Khánh

Kết quả cho thấy, cả nước có 54 trại giam do Bộ Công an quản lý, hầu hết đều được đóng tại các địa bàn KT - XH khó khăn, nhất là về giao thông. Phần lớn các trại giam tại khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích đất hạn chế, phân tán, thổ nhưỡng xấu, rất khó khăn trong việc phát triển sản xuất, dạy nghề cho phạm nhân. Lao động trong các trại giam từ trước đến nay vẫn chủ yếu chỉ làm nông nghiệp mang tính “tự cấp, tự túc”, năng suất, hiệu quả lao động và các khoản thu được để lập các quỹ theo quy định là thấp, Nhà nước vẫn phải đầu tư khoản ngân sách lớn cho các trại giam. Điều này đã hạn chế rất lớn tới các mục tiêu đặt ra trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân.

Nhằm giải quyết tình trạng khó khăn nêu trên, thời gian qua, các trại giam đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân. Tại một số địa bàn có tình hình an ninh trật tự tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an đã tiến hành thí điểm, cho phép các trại giam được tổ chức “khu sản xuất” và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức các “điểm lao động” ngoài trại giam. Tiêu chí để lựa chọn các phạm nhân ra ngoài lao động gồm: loại tội phạm, mức án, thời gian phải chấp hành hình phạt tù còn lại, nhân thân, thái độ chấp hành án, giới tính, sức khỏe... Trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn khu vực phạm nhân lao động. Tổng kết cho thấy, trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có một phạm nhân bỏ trốn.

Từ thực tiễn này, UBTVQH nhận thấy, việc đổi mới công tác tổ chức lao động tại các trại giam theo đề nghị của Chính phủ, tạo điều kiện để phạm nhân có thể tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của các trại giam là cần thiết.

Tiếp thu ý kiến đa số của ĐBQH, UBTVQH đề nghị QH cho giữ quy định tại Điều 33 dự thảo Luật theo hướng: Cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam cho phạm nhân. Đồng thời, các khoản 3, 4 và 5 Điều 33 đã được chỉnh lý quy định cụ thể về nguyên tắc, điều kiện đưa phạm nhân ra ngoài lao động, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga nêu rõ.

Hoàng Ngọc