Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực y tế, dân số

- Thứ Năm, 17/09/2020, 16:28 - Chia sẻ
Sáng 17.9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Phiên họp nghe báo cáo về tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách 9 tháng năm 2020, ước thực hiện năm 2020, giai đoạn 2016 – 2020 thuộc lĩnh vực y tế - dân số.

Đạt nhiều kết quả quan trọng

Trình bày báo cáo tại Phiên họp, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid – 19 đã ảnh hưởng đến ngành y tế. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành y tế và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt nhiều kết quả. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu  

Y tế dự phòng được tăng cường. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả. Quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, an toàn thực phẩm, môi trường y tế, kiểm soát các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe đạt kết quả tích cực. Mạng lưới cơ sở y tế cả công lập và ngoài công lập phát triển rộng khắp. Năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh được nâng lên. Hoạt động của y tế cơ sở có tiến bộ. Cơ chế hoạt động, tài chính, giá dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập được đổi mới, nhiều bệnh viện công lập đã tự chủ được tài chính. Sản xuất thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế có nhiều tiến bộ, đã sản xuất được 11/12 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và sản xuất được máy thở cho phòng, chống dịch Covid -19. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản trị y tế, khám bệnh, chữa bệnh, quản lý sức khỏe người dân. Nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, tiên tiến được áp dụng. Tình trạng quá tải, nhất là tuyến trung ương và tuyến cuối cùng từng bước được khắc phục.  

Về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, ngân sách nhà nước chi cho y tế năm sau cao hơn năm trước, tổng chi ước tính từ 95.455 tỷ đồng năm 2016 tăng lên 125.245 tỷ đồng vào năm 2020. Tỷ trọng chi y tế từ ngân sách bao gồm cả trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 7,1% tổng chi ngân sách nhà nước, nếu không tính trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 6,5-8%. Ngân sách nhà nước đã được ưu tiên cho đầu tư phát triển, các lĩnh vực, các vùng, khu vực khó thu hút nguồn lực xã hội hóa.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày báo cáo  

Phải có giải pháp về tự chủ bệnh viện phù hợp

Tuy vậy, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, trong giai đoạn 2016-2020 vẫn còn tình trạng thiếu công bằng trong chăm sóc sức khỏe về khả năng tiếp cận dịch vụ, thụ hưởng các dịch vụ có chất lượng. Chênh lệch chỉ số sức khỏe giữa các vùng miền còn lớn. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao. Một số bệnh có xu hướng tăng nhanh như béo phì, trầm cảm, tự kỷ ở trẻ em, suy giảm trí nhớ… 

Đội ngũ bác sỹ, dược sỹ phân bổ, sử dụng chưa hợp lý. Số bác sỹ, dược sỹ giỏi tập trung ở các đô thị lớn, bệnh viện tuyến cuối trong khi nhiều cơ sở y tế tuyến dưới, kể cả bệnh viện tỉnh vẫn bị thiếu bác sỹ. Khó thu hút nhân lực làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng, lao, phong, tâm thần, pháp y… Thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý. Chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút thầy thuốc có trình độ chuyên môn, tay nghề, làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Cơ bản nhất trí với các kết quả và một số tồn tại hạn chế như báo cáo của Bộ Y tế, các đại biểu cũng đề nghị cần giải trình, làm rõ một số vấn đề như: bố trí ngân sách cho y tế dự phòng trong giai đoạn tới; đầu tư cho y tế cơ sở; quản lý trang thiết bị y tế; thực hiện xã hội hóa; quản lý thuốc, chất hướng thần, thực phẩm chức năng; tăng cường kiểm tra thanh tra xử lý vi phạm trong ngành; giải pháp nhằm khắc phục những vướng mắc giữa khám chữa bệnh với chi trả của bảo hiểm. 

Toàn cảnh phiên họp  

Một số ý kiến đề nghị quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long làm rõ các đề xuất của Bộ Y tế trong việc tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cả chi phí quản lý, khấu hao; ban hành mức giá tối đa của các dịch vụ theo yêu cầu theo nguyên tắc tính đầy đủ chi phí; hợp tác công tư (PPP)...

Kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế tiếp thu, giải trình và làm rõ các vấn đề được các đại biểu đặt ra để chuẩn bị cho Phiên họp toàn thể tới đây của Ủy ban Về các vấn đề xã hội. Chỉ ra một số tồn tại trong giải ngân vốn đầu tư công, phát triển y tế cơ sở, vi phạm đấu thầu mua sắm trang thiết bị, ông cũng đề nghị Bộ Y tế phải có giải pháp tham mưu về tự chủ bệnh viện phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và túi tiền của người dân, rà soát bảo đảm chi được cho 30% cho y tế dự phòng, phát triển mô hình bác sĩ gia định, khám chữa bệnh từ xa... 

+ Tại Phiên họp, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng đã nghe báo cáo về dự kiến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2021, giai đoạn 2021 – 2025 thuộc lĩnh vực y tế - dân số; kết quả thực hiện lời hứa về các nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế; thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII.

Hồ Long