Phiên họp thứ Chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Tạo tác động cảnh tỉnh, răn đe, hiệu ứng xã hội

- Thứ Năm, 24/03/2022, 17:51 - Chia sẻ
Chiều 24.3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.

Chất lượng báo cáo không bảo đảm yêu cầu

Trình bày Báo cáo kết quả bước đầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát cho biết, báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm so với quy định. Chất lượng báo cáo không bảo đảm yêu cầu, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài. Nội dung báo cáo chủ yếu phản ảnh tình hình, kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế chỉ nêu nhận định chung chung, không cụ thể các nội dung chưa triển khai, triển khai chậm, các hành vi vi phạm gây lãng phí, thất thoát…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Ảnh: Lâm Hiển 

Đánh giá bước đầu về ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát thấy rằng, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác này thời gian qua đã tạo căn cứ pháp lý quan trọng, cần thiết cho công tác quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước trong giai đoạn 2016-2021. Bên cạnh các kết quả đạt được, trong công tác xây dựng văn bản pháp luật vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa khắc phục triệt để. Đoàn giám sát sẽ tập trung giám sát việc tham mưu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các tồn tại, hạn chế nêu trong Báo cáo chính và chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

Ảnh: Lâm Hiển

Về tình hình ban hành chương trình, Đoàn giám sát thấy rằng, trong giai đoạn 2016 - 2021 các Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ và các chương trình hàng năm và 5 năm của các bộ, ngành, địa phương cơ bản đều chậm. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và ban hành Chương trình.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Ảnh: Lâm Hiển 

Về tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), qua báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát thấy rằng, cân đối tài chính vĩ mô, cân đối NSNN chưa thật sự bền vững; cơ cấu lại chi NSNN chưa đạt yêu cầu đề ra; vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và vi phạm trong công tác lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN (bao gồm kế hoạch đầu tư công) hàng năm và 5 năm.

Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác, Báo cáo của Chính phủ chưa báo cáo cụ thể việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác theo quy định. Đoàn giám sát thấy rằng, trong giai đoạn vừa qua việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác còn nhiều tồn tại, hạn chế ở tất cả các khâu từ lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án đến tổ chức triển khai thực hiện… dẫn đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác chưa hiệu quả, một số dự án thua lỗ lớn, gây thất thoát, mất vốn, tài sản nhà nước…

Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, mặc dù đã được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực, xử lý nghiêm và kịp thời nhiều vụ việc vi phạm gây thất thoát, lãng phí tài sản, kinh phí nhà nước, song Đoàn giám sát thấy rằng, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn vừa qua cũng còn hạn chế, chưa phát huy hết hiệu quả.

Trong thời gian tới, Đoàn giám sát sẽ triển khai tổ chức họp phiên thứ hai để thảo luận cho ý kiến và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Đoàn giám sát triển khai kế hoạch giám sát; tiếp tục tổ chức nghiên cứu, có ý kiến báo cáo của các bộ, ngành, địa phương. Tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công an, Giao thông vận tải, Công thương, Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo. Đoàn giám sát cũng sẽ làm việc với một số địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Ảnh: Lâm Hiển 

"Có diện nhưng phải có điểm"

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm và những nỗ lực của Thường trực và các thành viên của Đoàn giám sát, Tổ giúp việc trong triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, trước tình trạng chậm gửi báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần phải có cơ chế, chế tài cần thiết để bảo đảm tính nghiêm túc, lập lại kỷ cương trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, khẩn trương tham mưu ban hành văn bản đôn đốc, nhắc nhở đối tượng thuộc diện giám sát bảo đảm đúng, đủ theo đúng kế hoạch của Đoàn giám sát. “Cơ quan, tổ chức, đơn vị nào đã có báo cáo mà báo cáo chưa đạt yêu cầu, Đoàn giám sát hoàn toàn có quyền yêu cầu đề nghị bổ sung để làm rõ vấn đề chứ không phải là báo cáo để cho có báo cáo”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả bước đầu và dự kiến kế hoạch triển khai của Đoàn giám sát trong thời gian tới. Để bảo đảm tính tổng quát, toàn diện của báo cáo, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần phải có trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ, trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo quy định của pháp luật, có ở cả khu vực công và khu vực tư, thì nên tập trung vào lĩnh vực công, từ đó có đánh giá, kiến nghị cụ thể. Hay, trong thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, thì hậu quả của lãng phí rất lớn, do đó cần tập trung nhiều hơn vào các hành vi lãng phí, đặc biệt là những lãng phí dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước. Với thực hành tiết kiệm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải chú trọng vào các vấn đề liên quan đến chính sách của Đảng, Nhà nước đối với tiết kiệm.  

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Ảnh: Lâm Hiển 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần giám sát các vụ việc cụ thể, một số vụ việc lớn, “có diện nhưng phải có điểm”, từ đó, tạo tác động cảnh tỉnh, răn đe và hiệu ứng xã hội. Đối với những đơn vị dự kiến khảo sát, cần có nội dung cụ thể để nội dung cuộc làm việc bảo đảm rõ ràng, chất lượng. 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rộng, phức tạp, thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; liên quan đến nhiều chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Đoàn giám sát cần tính toán, bám sát Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và 5 nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến.

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh phát biểu

Ảnh: Lâm Hiển 

Nhấn mạnh khối lượng công việc phải triển khai lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần nỗ lực và trách nhiệm cao của từng thành viên Đoàn giám sát; đề nghị từng thành viên cần đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ để nghiên cứu hoàn thành tốt các nội dung chung và riêng theo phân công.  

T. Thành