Quản lý chất thải rắn đô thị trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

- Thứ Sáu, 29/04/2022, 12:15 - Chia sẻ
Sáng 29.4, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp cùng Ban chủ nhiệm đề tài cấp bộ “Pháp luật quản lý chất thải rắn đô thị trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” tổ chức hội thảo “Quản lý chất thải rắn đô thị trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp TS. Lê Hải Đường chủ trì hội thảo.

Quang cảnh hội thảo

Các đại biểu dự Hội thảo nhất trí cho rằng, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trước áp lực tác động đến môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa, phát triển dân số dẫn đến phát sinh nhiều chất thải rắn, trong đó chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng, cần thiết phải có biện pháp quản lý, xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường đóng vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn nhằm đưa ra được các giải pháp công nghệ, kỹ thuật xử lý phù hợp và hiệu quả, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt.

Từ năm 2000 đến nay, đã có nhiều phương pháp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt do các đơn vị trong nước và trên thế giới được áp dụng tại Việt Nam, năng lực, hiệu quả xử lý ngày càng được nâng cao, ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt ngày càng giảm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn tồn tại không ít bất cập do điều kiện của Việt Nam có nhiều khác biệt đối với các nước trên thế giới. Vấn đề đặt ra là phải rà soát lại hiện trạng hoạt động, hiệu quả xử lý cũng như tính phù hợp của các công nghệ xử lý đang áp dụng với điều kiện phát triển kinh tế của Việt Nam, từ đó đề xuất được những công nghệ xử lý chất thải rắn có hiệu quả.

Do đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để quản lý chất thải rắn đạt hiệu quả, các đại biểu kiến nghị cần ban hành và công bố danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn khuyến cáo áp dụng tại Việt Nam; xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bãi chôn lấp chất thải rắn và về lò đốt chất thải. Bên cạnh đó, cũng cần ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác thải tại nguồn và đối với việc cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh; triển khai thực hiện hiệu quả quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn cũng cần được quan tâm đẩy mạnh. Đặc biệt, các địa phương cần bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch, bố trí đủ kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn.

Minh Trang