Phiên họp thứ Chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Nhất trí thí điểm tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

- Thứ Ba, 22/03/2022, 17:46 - Chia sẻ
Chiều 22.3, tiếp tục Phiên họp thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian qua, hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân tại các trại giam cho thấy ý nghĩa về môi trường lao động, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, cải thiện đời sống cho phạm nhân và tăng giá trị đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ công tác tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân, nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù. Đặc biệt, tạo điều kiện phù hợp cho phạm nhân về tâm lý lao động, thái độ chấp hành cải tạo và tiếp thu kiến thức trong dạy nghề, truyền nghề, giúp phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm tội.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết
Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, thực tiễn công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục, cải tạo phạm nhân trong tình hình hiện nay đòi hỏi phải có cơ chế mới, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam thực hiện. Tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Do đó, Chính phủ nhận thấy việc đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết
Ảnh: Hồ Long

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội. Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp. Mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự. 

Tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về tính thống nhất với hệ thống pháp luật của dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Tư pháp thấy rằng, việc đề xuất áp dụng thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là phù hợp với chủ trương, định hướng cải cách tư pháp; không trái với quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, các nội dung quy định về việc thí điểm trong dự thảo Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm thực hiện thống nhất, đầy đủ chế độ quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo và các chế độ, chính sách khác đối với phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các luật có liên quan.

Nghiên cứu bổ sung phạm vi ngành nghề thực hiện thí điểm

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ, cùng sự tham gia thẩm tra ngay từ đầu của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Ba theo quy trình thông qua tại một kỳ họp. Nội dung dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình phù hợp với Nghị quyết số 14/2022/UBTVQH15 ngày 18.1.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đại biểu tham dự phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra. Theo đó, phạm vi thí điểm theo Nghị quyết không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an; thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm. Nghị quyết cần giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện sẽ bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế tại các trại giam. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra nghiên cứu bổ sung phạm vi ngành nghề thực hiện thí điểm vào dự thảo Nghị quyết.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với 4 nguyên tắc thực hiện thí điểm, trong đó có nguyên tắc: “trong thời gian thực hiện thí điểm, tổ chức hợp tác với trại giam là doanh nghiệp được áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập như các trường hợp quy định tại Điều 4, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp” (điểm d, khoản 3, Điều 1 dự thảo Nghị quyết). Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, nên có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp hợp tác với trại giam nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia, bảo đảm tính khả thi của việc thí điểm; trong đó, cơ chế miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là miễn thuế theo thu nhập chứ không phải theo pháp nhân. Không phải doanh nghiệp được miễn thuế này mà khoản thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động này được hưởng chính sách miễn thuế. Vì vậy, cần xem xét lại cách diễn đạt tại dự thảo Nghị quyết cho rõ ràng. Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp hợp tác với trại giam theo hướng: “trong thời gian thực hiện thí điểm được áp dụng trong thời gian thực hiện thí điểm, tổ chức hợp tác với trại giam là doanh nghiệp được áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập cho phần thu nhập từ hoạt động hợp tác với trại giam”.

Dự thảo Nghị quyết quy định 11 nhóm phạm nhân thuộc diện không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam trên cơ sở xác định điều kiện về tội danh, tính chất, mức độ phạm tội và một số điều kiện khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần quy định nguyên tắc các trường hợp không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và góp phần khuyến khích, động viên phạm nhân tích cực phấn đấu trong quá trình chấp hành án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng các quy định này, để bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu xây dựng cơ chế thí điểm và thống nhất trong quá trình áp dụng.

Hồ Long