Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch Hà Nội

- Thứ Hai, 26/04/2021, 22:06 - Chia sẻ
Chiều 26.4, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã làm việc với UBND Thành phố Hà Nội về việc thực hiện Luật Du lịch trên địa bàn thành phố. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, du lịch luôn được Hà Nội quan tâm, chú trọng, đưa vào nghị quyết, chương trình công tác hàng năm của Thành ủy, UBND Thành phố và lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch của từng cấp, từng ngành, từng quận, huyện, thị xã. Để thể chế hóa các quy định của Luật Du lịch 2017 và văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hà Nội đã ban hành các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển du lịch kịp thời, đúng quy định và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan để làm cơ sở cho hoạt động quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp triển khai thực hiện, tạo điều kiện phát triển du lịch.

Gần đây nhất có Chương trình số 02-CTr/TU ngày 17.3.2021 của Thành ủy về đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển minh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có du lịch; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17.3.2021 của Thành ủy về phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 30.9.2020 của UBND Thành phố về việc thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, du lịch luôn được Hà Nội quan tâm, chú trọng

Giai đoạn 2017 - 2021, nhiều sản phẩm du lịch đã trở thành địa điểm tham quan, vui chơi giải trí không thể thiếu của người dân Thủ đô mỗi dịp cuối tuần. Triển khai Luật Du lịch 2017 đến nay, UBND thành phố đã công nhận 19 điểm du lịch, khu du lịch cấp Thành phố. Một số điểm du lịch được đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ khá tốt, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động của ngành du lịch.

Giai đoạn 2017 - 2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng khá nhanh và ổn định, năm sau cao hơn năm trước, mức tăng bình quân đạt 9.6%/năm. Tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch bình quân đạt 19,35%/năm. Tuy nhiên, đến năm 2020 và quý I.2021, các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch chịu tác động lớn của dịch Covid-19. Sự sụt giảm mạnh về lượng khách du lịch đến Hà Nội đã dẫn đến tổng thu từ khách du lịch giảm 73% so với năm 2019, đưa tốc độ tăng trưởng trung bình về tổng thu của cả giai đoạn 2017 - 2020 giảm xuống còn -3,74%. Quý I.2021, tổng thu từ khách du lịch (chỉ bao gồm khách du lịch nội địa) ước đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Hà Nội cũng đã đưa ra các giải pháp phát triển du lịch trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và phục hồi du lịch hậu Covid-19. Trong đó, nghiên cứu xây dựng Nghị quyết mới của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, tập trung  thực hiện tái cơ cấu toàn diện ngành du lịch cả về hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, doanh nghiệp du lịch, môi trường du lịch; đáp ứng những thay đổi căn bản của thị trường du lịch trong tương lai. Xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn, kích cầu du lịch nội địa như nhóm sản phẩm du lịch du lịch thể thao mạo hiểm tại khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, du lịch trải nghiệm tại các khu di tích, văn hóa (trải nghiệm đêm tại Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò...). Xây dựng và đề xuất các kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh hoạt động du lịch tái cơ cấu vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.

Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Hà Nội nghiên cứu khai thác tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, hấp dẫn du khách

Hà Nội kiến nghị Quốc hội xem xét đưa nội dung chính sách phát triển du lịch Hà Nội vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch của Thủ đô. Đối với Chính phủ, đề nghị xem xét ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển du lịch triển khai thống nhất trên toàn quốc theo quy định tại Điều 5, Luật Du lịch; đẩy mạnh giải ngân, hỗ trợ về vốn, cho vay ưu đãi, miễn, giảm thuế, phí, chính sách giảm, hoãn phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để giúp các doanh nghiệp lữ hành có điều kiện để sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19; có chính sách tăng cường đầu tư về giáo dục đào tạo chuyên ngành, đào tạo nghề, nhất là loại hình đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế du lịch sau dịch Covid-19...

Chia sẻ với những khó khăn của ngành du lịch nói chung, du lịch Hà Nội nói riêng, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Hà Nội nghiên cứu khai thác tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, hấp dẫn du khách, trước mắt là khách nội địa. Về lâu dài, tập trung chỉ đạo rà soát, bổ sung, thực hiện tốt Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; xem xét các dự án liên quan đến tổng thể quy hoạch phát triển du lịch gắn với các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng của Thành phố Hà Nội; xác định và tập trung đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch chiến lược…

Đặc biệt, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh, cần minh định trách nhiệm của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và cả người dân trong phát triển du lịch, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô Hà Nội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết phát biểu lại cuộc làm việc với Sở Du lịch Hà Nội và Hiệp hội Du lịch Hà Nội

+ Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã làm việc với Sở Du lịch Hà Nội và Hiệp hội Du lịch Hà Nội.

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ Covid-19, Hiệp hội Du lịch Hà Nội kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ, giải pháp cụ thể, thiết thực để tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch do đại dịch; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp vay 50% tiền ký quỹ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành và phải hoàn lại trong vòng 1 năm để có nguồn vốn tái khởi động, hoạt động kinh doanh nhằm giúp các doanh nghiệp lữ hành tiếp tục duy trì hoạt động, hạn chế trường hợp rút giấy phép để lấy lại tiền ký quỹ và hoạt động kinh doanh lữ hành không phép. UBND Thành phố Hà Nội và Sở Du lịch Hà Nội nghiên cứu, xem xét hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng các sản phẩm mới, tăng cường đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành du lịch chuẩn bị tái khởi động kinh doanh sau khi Covid-19 được khống chế. Sau Covid-19, xu hướng du lịch nội địa được dự báo có thể sẽ là xu hướng du lịch trong thời gian tới, Thành phố, Sở Du lịch cần có giải pháp định hướng đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường…

Nhật Linh